Xử lý nghiêm nền tảng mạng xã hội vi phạm pháp luật
Ra mắt chính thức tại Việt Nam vào năm 2019, nền tảng mạng xã hội TikTok đưa ra mục tiêu “đa dạng hóa nội dung và tôn vinh sự sáng tạo của người Việt”, đồng thời cam kết “mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời thông qua các biện pháp bảo vệ tối ưu nhất”. Tuy nhiên, trái ngược với các thông điệp nêu trên, thời gian qua hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nền tảng mạng xã hội này đang gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến người dùng tại Việt Nam.
Cuộc họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ sáu vi phạm của nền tảng TikTok |
Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam, TikTok gửi hàng loạt thông điệp như “tạo điều kiện để mỗi người Việt Nam đều có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung bằng chính chiếc điện thoại của mình”, “nâng cao nhận thức về an toàn và cung cấp kiến thức cho người dùng”, “tôn vinh văn hóa và du lịch địa phương”…
Đồng thời để mời gọi người dùng, TikTok Việt Nam đã ra mắt chương trình giới thiệu tài khoản mới và nhận phí hoa hồng. Có thời điểm số tiền thưởng TikTok mời gọi lên đến 1,65 triệu đồng để thu hút đông đảo người dùng Việt Nam. Hiện nay, với 50 triệu người dùng TikTok, Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới về số lượng người trưởng thành sử dụng mạng xã hội này.
Khác với một số nền tảng mạng xã hội khác như Facebook hay YouTube, TikTok tỏ ra chủ động trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ viễn thông, thương mại điện tử, quảng bá du lịch, chuyển đổi số, bảo tồn và phát huy di sản…
Năm 2022, trên khía cạnh hợp tác bảo vệ người dùng, đại diện TikTok Việt Nam cho biết: “Tất cả nội dung vi phạm, TikTok kiểm soát rất chặt chẽ. Năm nay, chúng tôi quyết định tái khởi động Hashtag “vaccineso”, với sự hợp tác của Hiệp hội an toàn thông tin và Cục An toàn thông tin, chia sẻ với nhau nội dung thế nào là độc hại, sống thế nào là văn minh.
Đào tạo, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để hướng tới một môi trường internet lành mạnh và tích cực”. Mạng xã hội này cũng khẳng định sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ tối ưu nhất bằng cách kết hợp công nghệ kiểm duyệt nội dung với một đội ngũ kiểm duyệt người dùng hết sức chặt chẽ. Từ đó, “thúc đẩy không gian số lành mạnh”.
Tuy nhiên trên thực tế, TikTok gần như không hề có biện pháp, cơ chế kiểm tra, giám sát tuân thủ những giao ước đã đề ra. Với lĩnh vực thương mại điện tử, TikTok không có một công cụ, bộ lọc hiệu quả để chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn ngập trên sàn giao dịch. Không những vậy, họ cũng để mặc cho các nội dung review (đánh giá) thiếu căn cứ, tẩy chay thương hiệu, nhãn hàng với động cơ thiếu trong sáng hiện diện đầy rẫy trên khắp nền tảng.
Một vấn đề đáng lưu tâm khác, do TikTok chưa có chính sách trả thu nhập cho các nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam nên vô hình trung để kiếm tiền, các nhà sáng tạo nội dung buộc phải trở thành nhà quảng cáo trên TikTok hoặc nhận quà tặng, tiền quyên góp của người xem trên mạng xã hội này.
Ngoài ra, việc TikTok cho phép cơ chế hợp tác trực tiếp giữa người sản xuất nội dung với doanh nghiệp mà thiếu sự ràng buộc cũng như cơ chế giám sát cũng là nguyên nhân góp phần thúc đẩy xuất hiện tình trạng ngày một nhiều TikToker chỉ chăm chăm sản xuất các clip ngắn để câu view, câu like, nhằm thu về lượng người xem, phục vụ cho việc quảng cáo sai sự thật về nhiều mặt hàng, thương hiệu.
Đáng lên án hơn, một số TikToker sẵn sàng đưa ra những phát ngôn, hành động lệch chuẩn, vi phạm đạo đức xã hội chỉ để câu kéo người xem đến các video chứa quảng cáo. Mặt khác vì lợi nhuận, một số gian hàng, thương hiệu trên TikTok chấp nhận trả tiền cho các nội dung bẩn của các kênh có nhiều lượt người tương tác, theo dõi.
Trong khi đó, với những mục tiêu cam kết đưa ra khi ra mắt tại Việt Nam như các chiến lược đồng hành, hỗ trợ quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, theo đánh giá của không ít người sử dụng và những ai quan tâm đến nền tảng này, TikTok dường như chỉ làm cho có với nhu cầu tạo danh tiếng, hơn là sát cánh, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam trên không gian mạng.
Như ngày 31.8.2022, TikTok phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện dự án #NganngaVietNam (Ngân nga Việt Nam) nhằm thúc đẩy du lịch thông qua truyền thông, mang âm nhạc truyền thống đến người dùng, làm phong phú thêm những nội dung giải trí có giá trị tinh thần với cộng đồng. Nhưng cùng với đó là việc mạng xã hội này không hề kiểm duyệt, thẩm định các nội dung có gắn nhãn (Hashtag) #NganngaVietNam, dẫn đến hệ quả, hàng loạt nội dung nhảm nhí, phản cảm, không phù hợp tinh thần của dự án vẫn hiện lên xu hướng TikTok bằng thủ thuật đơn giản là gắn nhãn #NganngaVietNam.
Điều tương tự cũng xảy ra với chiến dịch #vaccineso – An toàn trên không gian mạng được tiến hành bởi TikTok theo cam kết với Cục An toàn thông tin (AIS) – Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), “Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng” cùng “Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.
Theo đó, chỉ cần gắn mác #vaccineso, các video chứa nội dung xấu, độc, nhố nhăng, tục tĩu có thể thoải mái đi qua bộ lọc của TikTok, nằm xen kẽ với các clip tuyên truyền về an toàn thông tin mạng. Theo nhận định của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), TikTok chỉ chặn, gỡ thông tin xấu độc khi các cơ quan chức năng rà soát, phát hiện mà không chủ động ngăn chặn các trào lưu nguy hiểm trên nền tảng của mình.
Ngoài ra, TikTok chủ ý phân phối nội dung, cung cấp thông tin cho người xem theo thuật toán tự động. Chính từ lý do này, thuật toán có thể tùy biến ẩn, hiện nội dung xấu, độc gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc rà, quét, đánh giá nội dung vi phạm pháp luật. Bởi thế, dù hết sức nỗ lực, các công cụ của cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện được một phần những nội dung độc hại trên TikTok.
Ở chiều ngược lại, tuy đã gỡ bỏ 90% nội dung sai phạm theo yêu cầu, TikTok vẫn có thái độ cố tình tránh né, không thực hiện các biện pháp loại trừ nội dung xấu độc, nhất là các nội dung sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội dung gây hại và nguy hiểm với trẻ em và thanh, thiếu niên.
Ngày 6.4 vừa qua, tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố sáu vi phạm của nền tảng TikTok, trong đó nghiêm trọng nhất là việc mạng xã hội này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm đến trẻ em.
Bên cạnh đó, TikTok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng đến cộng đồng và giới trẻ. Chưa dừng lại ở đó, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Mạng xã hội này cũng không quản lý hoạt động của các “thần tượng” cho nên xảy ra tình trạng nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này. TikTok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền cũng như không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong tháng 5 sẽ tiến hành thanh tra toàn diện với TikTok và thực hiện xử lý nghiêm, tương xứng với mức độ sai phạm do nền tảng mảng xã hội này gây ra. Đây được xem là động thái hợp lý, kịp thời, hướng đến loại bỏ “rác” trên mạng xã hội, trả lại không gian mạng trong lành cho người sử dụng internet tại Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất mạnh tay trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm của TikTok. Kể từ đầu năm 2023, TikTok liên tục nhận nhiều hình phạt từ chính phủ các nước vì những hành vi vi phạm pháp luật. Như ngày 12.1, cơ quan chức năng của Pháp đã đưa ra án phạt 5 triệu euro với TikTok do những thiếu sót của công ty liên quan việc xử lý dữ liệu theo dõi trực tuyến (cookie). Ngày 1.3, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt TikTok số tiền trị giá tương đương 93.000 USD vì thiếu các biện pháp bảo vệ dữ liệu người dùng.
Ngày 4.4, các cơ quan giám sát dữ liệu của Anh đã phạt TikTok 15,9 triệu USD vì không bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em. Thậm chí một số quốc gia đã quyết định không cho phép công chức sử dụng TikTok, thậm chí là cấm toàn bộ hoạt động của nền tảng này do mối nguy hiểm tiềm ẩn mà nó tạo ra cho tình hình an ninh, trật tự, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước.
Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay, các tính năng mới Video Short trên YouTube, Reels trên Facebook đang tồn tại nhiều lỗ hổng cho phép các đối tượng xấu lợi dụng để đăng tải nhiều nội dung rác, độc hại. Nhiều clip trong số này được đăng lại từ các tài khoản TikTok tai tiếng.
Do đó, dù vô tình hay cố ý, Facebook và YouTube cũng đang tiếp tay, dung túng cho các video độc hại trên TikTok tiếp tục được lan truyền, tiếp cận thêm với người dùng mạng xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc, yêu cầu Facebook, YouTube khẩn trương khắc phục hạn chế, khuyết điểm trên các tính năng mới này.
Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đánh giá cao những mặt tích cực của mạng xã hội cũng như khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong việc bảo đảm, phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Song Nhà nước Việt Nam kiên quyết ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, đồng thời sẵn sàng triển khai các biện pháp ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm môi trường thông tin lành mạnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Theo QUANG MINH (NDO)