Vé máy bay dịp Tết vẫn tăng mạnh, khiến giá khứ hồi bằng cả một tour trọn gói đi nước ngoài, đặt ra bài toán khó với ngành du lịch trong nước.
Từ cuối tháng 7, các hãng hàng không bắt đầu mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của đa số đơn vị lữ hành, mức giá vẫn cao như thường lệ, nhất là các hành trình từ Nam ra Bắc. Giai đoạn sau Tết, giá vé máy bay từ Bắc vào Nam cũng cao vì lượng khách lớn quay trở lại làm việc.
Theo thống kê từ Best Price, giá vé cho các chặng bay từ TP HCM dịp Tết tăng thêm khoảng 170-298% so với ngày thường, từ đầu Hà Nội tăng khoảng 150-265%. Khi đặt thử vé vào chiều 4/10, chặng bay TP HCM – Thanh Hóa trong tháng 11 có giá khoảng 1,4 triệu đồng mỗi khách. Tuy nhiên, nếu mua ở thời điểm ngày 29 hoặc 30 Tết (8-9/2/2024), giá vé khoảng 3,4 triệu đồng. Chặng TP HCM đi Vinh ngày thường có giá khoảng 1,2 triệu đồng, ngày Tết tăng lên 3,5 triệu đồng.
Từ Hà Nội, chặng bay đi Đà Nẵng ngày thường giá khoảng 727.000 đồng, trong Tết tăng lên 1,6 triệu đồng; chặng bay đi Phú Quốc (Kiên Giang) ngày thường có giá 914.000 đồng mỗi khách, trong Tết có giá khoảng 2,8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Tràng An Travel, nhận xét hiện tại “rất hiếm vé rẻ”, đặc biệt với chuyến bay khởi hành từ Hà Nội hoặc TP HCM dịp Tết. Theo ông Cường, giá vé khứ hồi bay nội địa của các hãng hàng không trên một số đường bay trong dịp Tết bằng, thậm chí cao hơn giá tour du lịch trọn gói đến Singapore, Thái Lan, Campuchia cùng thời điểm.
“Giá vé máy bay cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách chuyển hướng du lịch nước ngoài dịp lễ Tết thay vì du lịch nội địa”, ông Cường nói. “Điều này có tác động không tốt với du lịch nội địa. Tôi nghĩ nhiều ban ngành cần vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này.”
Theo khảo sát VnExpress, một tour 5 ngày 4 đêm đi Thái Lan, khởi hành Hà Nội ngày 14/2 (mùng 5 Tết) có giá 10-11 triệu đồng. Với hành trình tương tự, giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội đi Phú Quốc (giờ đẹp) có giá khoảng 6-7 triệu đồng, giờ xấu hơn có giá dao động 5-6 triệu đồng. Chi phí khách sạn 3 sao ở Phú Quốc trong giai đoạn này có giá khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi đêm. Nếu du lịch tự túc tiết kiệm, du khách tốn ít nhất 6,5-9 triệu đồng cho chi phí đi lại và lưu trú, chưa tính tiền ăn, chơi và mua sắm.
Một tour 5 ngày 4 đêm khởi hành từ TP HCM đi Đài Loan (tuyến Đài Bắc – Đài Trung – Nam Đầu – Cao Hùng) vào mùng 1, mùng 2 và mùng 8 Tết đang được một đơn vị lữ hành lớn bán với giá 12 triệu đồng mỗi khách. Trong khi đó, một tour TP HCM đi Quy Nhơn và Phú Yên cùng thời điểm được công ty này bán với giá khoảng 9,5 triệu đồng.
“Giá tour nội địa năm nay tăng khoảng 30% so với mức bình thường, chủ yếu đến từ việc vé máy bay tăng cao”, đại diện Tràng An Travel nói.
Ông Cường cho biết vào tháng 3/2022, khi du lịch mới mở lại, giá vé máy bay nội địa đã “liên tục nhảy múa”. Việc giá vé “nhảy múa” thời điểm đó được chấp nhận vì du khách không có nhiều lựa chọn khi các điểm đến quốc tế chưa mở, nhu cầu du lịch sau hai năm ở nhà tăng cao. Năm 2023, rất nhiều đường bay quốc tế mở, mức giá ổn định, đặc biệt là thị trường Trung Quốc cũng mở cửa đón khách Việt. Vì vậy, khi các hãng hàng không đẩy giá vé trong nước lên cao, giá tour sẽ tăng, các sản phẩm tour nội địa khó cạnh tranh được với sản phẩm quốc tế đường ngắn.
Theo các đơn vị lữ hành, du khách Việt có xu hướng chọn những điểm đến gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, liên tuyến Singapore – Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan nhiều khả năng là những sản phẩm chủ lực do các thị trường này duy trì được sức hút trong thời gian qua, thời gian bay đều không quá dài.
Hiện nhiều đơn vị lữ hành chưa mở bán tour nội địa vì nhu cầu từ khách còn thấp. Đa số tập trung khai thác sản phẩm mùa thu đông như du lịch miền bắc, miền tây.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia về lĩnh vực hàng không – cho biết giá vé máy bay dịp Tết hàng năm vẫn cao đến từ “mối quan hệ thị trường”. Ngành hàng không cũng sống nhờ khách du lịch nên họ cũng phải tính toán mức tăng để có lãi và có khách. Ngoài ra, sức thu hút của một điểm đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cảnh quan, dịch vụ, không phải duy nhất hàng không.
Theo ông Tống, để dung hòa lợi ích, ngành hàng không và du lịch chắc chắn cần ngồi lại. Tuy nhiên, bản thân địa phương, nhà đầu tư điểm đến cũng cần vào cuộc và can thiệp bằng những biện pháp kinh tế để hỗ trợ.
Ông Tống ví dụ trong quá khứ, một tập đoàn từng có chính sách giá tốt cho du khách nếu mua cả vé máy bay và nghỉ dưỡng tại hệ thống của họ. Khách có thể tiết kiệm vài triệu đồng so với đặt dịch vụ lẻ.
“Chính từ những điểm đến phải có chính sách hỗ trợ để hàng không giảm chi phí. Ngành du lịch không thể kêu nhưng không làm gì”, ông nói.
Cuối tháng 9, Thai AirAsia – hãng hàng không Thái Lan – đã kêu gọi chính phủ có động thái hỗ trợ giảm chi phí đi lại cho khách du lịch. Santisuk Klongchaiya, Giám đốc điều hành Thai AirAsia, nói chi phí nhiên liệu tăng và một số yếu tố khác đang “gây áp lực lên chi phí hoạt động của các hãng hàng không”.
Trong tương lai gần, các hãng hàng không sẽ không thể giảm giá vé máy bay. Tuy nhiên, nếu họ được hỗ trợ với các chi phí khác tại sân bay như phí điều hướng, thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu máy bay, câu chuyện có thể khác.
Tú Nguyễn