Liên quan đến vụ bé gái 16 tháng tuổi ở H.Gia Lâm (Hà Nội) bị cô giáo bóp má và dọa nạt khi đi học tại Lớp mẫu giáo độc lập tư thục mầm non Ngôi Sao Nhỏ (TT.Trâu Quỳ, H.Gia Lâm), ngày 4.10, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Gia Lâm cho biết, do cơ sở giáo dục này hoạt động không phép nên đơn vị đã đề nghị UBND TT.Trâu Quỳ ra văn bản đóng cửa.
Trước đó, không ít vụ việc bạo hành trẻ hoặc trẻ bị tai nạn thương tích xảy ra ở nhiều địa phương thì chính quyền và ngành giáo dục ở địa bàn mới “phát hiện” cơ sở đó chưa được cấp phép hoạt động và tổ chức đình chỉ, đóng cửa.
Sự thiếu hụt về trường lớp và giáo viên, thậm chí có nơi phải “bốc thăm” tìm sự may rủi để con được vào học trường mầm non công lập khiến phụ huynh ở khu vực thành thị, khu công nghiệp, chế xuất phải “liều” gửi con vào các nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ mà không biết cơ sở đó được cấp phép hay chưa.
Chính điều này khiến trẻ em gia tăng nguy cơ bị bạo hành khi được gửi ở những cơ sở hoạt động không phép.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc một cơ sở mầm non không thể hoạt động lén lút, hàng ngày đón trả hàng chục trẻ thì không thể nói cơ quan quản lý ở địa bàn không biết.
PGS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng: “Khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục không đồng nghĩa với việc thả lỏng mà phải quản lý chặt chẽ, đừng để có sự việc đáng tiếc xảy ra mới rốt ráo triển khai”.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng 5.10, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, đề nghị các phòng GD-ĐT tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”.
Bà Hương cũng đề nghị: “Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ”.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động. Các đơn vị gắn trách nhiệm hiệu trưởng, chủ nhóm lớp trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình khi có các sự việc xảy ra.