Cơ quan truyền thông quốc gia Nga RIA Novosti trích lời ông Putin: “Cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik, một tên lửa hành trình tầm tấn công toàn cầu với động cơ nguyên tử, hệ thống phản lực nguyên tử, đã vừa được thực hiện thành công”.
Ông Putin đã đưa ra thông tin này trong bài phát biểu tại Diễn đàn Valdai tại Sochi.
Chương trình phát triển tên lửa Burevestnik được Tổng thống Putin công bố vào tháng 3/2018 trong khuôn khổ sáng kiến phát triển thế hệ tên lửa liên lục địa và tên lửa siêu thanh mới. Trong khuôn khổ sáng kiến này có tên lửa đạn đạo Kinzhal, phương tiện lượn siêu thanh Avangard.
Ông Putin nhấn mạnh trước Quốc hội Liên bang Nga vào tháng 3/2018 rằng sáng kiến nói trên nhằm mục tiêu đảm bảo cân bằng chiến lược trên thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
“Đó là tên lửa tàng hình bay tầm thấp mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn gần như không giới hạn, quỹ đạo không thể đoán trước và năng lực vượt qua ngưỡng đánh chặn” – ông Putin nói về Burevestnik thời điểm đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây cho rằng chương trình phát triển siêu tên lửa của Nga đã gặp rắc rối với một số cuộc thử nghiệm thất bại. Vào năm 2019, Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI), một nhóm phân tích nguồn mở, cho biết tên lửa Burevestnik đã được thử nghiệm 13 lần, trong đó có 2 lần “thành công một phần”.
NTI trích lời chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, mô tả Burevestnik là vũ khí đáp trả, mà Nga có thể sử dụng theo sau các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để hoàn toàn tàn phá các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự nhằm đảm bảo không có cơ hội sống sót.
Cũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn Valdai, ông Putin cho biết có thể rút lại phê chuẩn đối với một hiệp ước với nội dung cấm thử nghiệm hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết Mỹ đã ký kết thỏa thuận, hồ sơ, hiệp ước quốc tế nhằm cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và Nga cũng đã ký kết. Nga đã ký kết và phê chuẩn, nhưng Mỹ có ký kết mà không phê chuẩn.
Tổng thống Nga cho rằng việc “phản ánh đúng quan điểm của Mỹ” và rút lại phê chuẩn từ phía Nga là nước đi phù hợp.
“Nhưng đây là câu hỏi đặt ra cho các quan chức của Hạ viện Nga. Trên lý thuyết, phê chuẩn này hoàn toàn có thể được rút lại. Chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện quyết định này”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất đã bị cấm theo Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện năm 1996. Mỹ và Trung Quốc đã ký kết hiệp ước này, nhưng đã không phê chuẩn.
Moscow đã phê chuẩn hiệp ước này, nhưng ông Putin hồi tháng 2 đã cho biết sẽ thực hiện thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ thử nghiệm trước.
Theo ông Putin, Nga đã “gần như sẵn sàng chuẩn bị phát triển thế hệ vũ khí chiến lược mới” và hiện tại chỉ còn cần phải giải quyết các thủ tục hành chính trước khi “bước vào sản xuất hàng loạt và đưa vào hoạt động”. Ông cho biết các bước này sẽ sớm được hoàn thành.
Ông cũng cho biết ông chưa sẵn sàng khẳng định Nga có cần phải thực hiện thử nghiệm để đảm bảo vũ khí hoạt động hiệu quả hay không, nhưng các chuyên gia khuyên ông nên thực hiện các thử nghiệm đó.
Hồi tháng 9, CNN đã thông tin về việc Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đã xây dựng các cơ sở mới và đào hầm tại các địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong những năm vừa qua, vào thời điểm căng thẳng giữa ba cường quốc hạt nhân đạt đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ qua.
Mặc dù không có bằng chứng cho thấy Nga, Mỹ hay Trung Quốc đang chuẩn bị cho thử nghiệm hạt nhân, những hình ảnh được thu thập bởi một nhà phân tích trong ngành nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân quân sự đã cho thấy ba địa điểm thử nghiệm hạt nhân đã được mở rộng gần đây so với chỉ vài năm trước.
Cựu Đại tá Không quân Mỹ Cedric Leighton cho biết: “Rõ ràng cả ba nước Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đã đầu tư thời gian, nỗ lực và tiền bạc không chỉ nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, mà còn vào chuẩn bị cho các tiền đề phục vụ cho thử nghiệm hạt nhân”.
Đồng thời, ông Putin hôm thứ Năm đã khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine không phải là cuộc xung đột tranh giành lãnh thổ – mà là một cuộc xung đột xảy ra dựa trên “nguyên tắc”.
“Khủng hoảng Ukraine không phải là một cuộc xung đột tranh giành lãnh thổ, và tôi muốn làm rõ điều này. Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, và chúng tôi không có nhu cầu mở rộng lãnh thổ”, ông Putin cho biết.
Hôm thứ Năm, ông Putin đã khẳng định Nga “không cố gắng đề ra cân bằng địa chính trị khu vực” tại Ukraine. Thay vào đó, ông cho biết vấn đề “xoay quanh những nguyên tắc đằng sau trật tự quốc tế mới”.
Ông Putin là người ủng hộ “trật tự thế giới đa cực”, ủng hộ các nhóm như nhóm các nước đang phát triển BRICS trở thành đối trọng của các thể chế do Mỹ và phương Tây lãnh đạo.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)