Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa công bố báo cáo thị trường lao động quý III/2023 và dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2023. Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát hơn 14.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 70.000 chỗ làm việc và hơn 32.300 người tìm việc.
Theo báo cáo, tỷ lệ người lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên là 77% tổng số người tìm việc, áp đảo so với các nhóm lao động khác. Cụ thể, nhóm lao động tìm việc có trình độ cao đẳng là hơn 20%, trung cấp là gần 2%. Nhóm sơ cấp nghề và lao động phổ thông, số lượng lao động tìm việc không đáng kể, mỗi nhóm chưa đến 1%.
Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng dựa trên trình độ chuyên môn của doanh nghiệp khác hẳn. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là ở nhóm lao động có trình độ trung cấp (hơn 27%), kế đến là cao đẳng (gần 25%), thứ 3 mới là trình độ đại học trở lên (gần 23%).
Xét về cơ cấu, cung cầu lao động có trình độ đại học trở lên đang mất cân đối nghiêm trọng khi nhu cầu chiếm 23% mà nguồn cung lên đến 77%.
Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm, độ chênh lệch cung cầu này đã được rút ngắn khá nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu lao động có trình độ đại học trở lên của doanh nghiệp chiếm gần 20% tổng nhu cầu nhân lực; trong khi đó, nhóm lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên lại chiếm hơn 84% tổng số lao động đăng ký tìm việc.
Thực tế thị trường cho thấy, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang cần lượng lớn lao động có tay nghề và nguồn cung luôn không đủ so với nhu cầu. Trong khi đó, lao động trình độ đại học trở lên luôn trong tình trạng dư thừa, quý nào cũng có số lượng người tìm việc cao hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Khi kinh tế gặp khó khăn, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên cũng là nhóm thường bị doanh nghiệp cắt giảm việc làm.
Thống kê năm 2022 cho thấy toàn thành phố có 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nhóm mất việc nhiều nhất là lao động phổ thông (chiếm 56,62%), đứng thứ 2 là lao động có trình độ đại học trở lên (chiếm 31,14%).
Trong khi đó, lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc là 2.869 (chỉ bằng 1,96%). Người có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 (tương đương 4,66%). Người có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm 5,62%).
Theo tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Học viện Cán bộ TPHCM), những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề tỷ lệ bị mất việc đều rất cao.