Một năm trước, cô gái xứ Thanh lựa chọn dừng bước trước ngưỡng cửa đại học. Bố mất, mẹ bệnh, Huyền còn hai em nhỏ, không có tiền đóng học phí, cô không còn lựa chọn nào khác!
Đạt 25 điểm thi khối B nhưng một năm trước, Lê Thị Huyền ngập ngừng trước ngưỡng cửa đại học. Cuối cùng, cô quyết định không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Một năm sau, Huyền quyết tâm thi lại, trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng (Hà Nội).
Tạm gác ước mơ, đi làm bưng bê
Huyền nhớ năm ngoái vừa tròn 18 tuổi, trong lúc bạn bè khăn gói ra thủ đô nhập học, cô lại rời quê nhà Thanh Hóa, xách ba lô đến xin việc tại một quán cháo ở quận Hà Đông (Hà Nội).
Bố mất vì căn bệnh ung thư thực quản, mẹ bị suy thận không lao động nặng được, Huyền còn hai em đang tuổi ăn học, gia đình thuộc diện hộ nghèo, Huyền không còn lựa chọn nào khác.
Cô thưa với mẹ: “Con sẽ nghỉ học một năm để đi làm phụ mẹ. Sang năm nếu được con sẽ đi học tiếp”.
Thương con gái, bà Nguyễn Thị Phương (mẹ Huyền) không đành lòng nhìn ước mơ của con dang dở. Bà nói sẽ lo lắng cho con được, khuyên con đừng nghỉ học.
Nhưng chồng mất rồi, gia đình túng quẫn quá, bao gánh nặng đổ dồn hết lên đôi vai bệnh tật của bà Phương. Nào tiền ăn, tiền thuốc thang cho bản thân cho đến số tiền nợ chữa bệnh của chồng còn chưa trả được, bà gạt nước mắt, chấp nhận để con gái tạm gác ước mơ…
Ba tháng đầu bám trụ ở thủ đô, công việc bưng bê cực khổ, Huyền làm quần quật từ sáng đến tối. Khu vực quán làm thêm gần nhiều trường đại học, mỗi lần vào ca bưng bê, nhìn thấy các bạn đồng trang lứa cắp sách đến giảng đường lướt qua, Huyền chạnh lòng thương cho hoàn cảnh của mình.
“Nhưng đó là quyết định của em. Đã quyết định thì sẽ không hối hận, chỉ có chút chạnh lòng thôi” – Huyền bộc bạch.
Sau này sức khỏe của mẹ không tốt, Huyền về lại quê nhà xin việc tại một xưởng bánh sinh nhật, mỗi ngày nhận 150.000 đồng tiền công.
Thời gian làm thêm bưng bê, Huyền nghĩ nếu cứ mãi tiếp tục công việc này thì tương lai sẽ mù mịt, cô cũng không muốn trở thành người không có định hướng, đánh mất tương lai.
“Mất tương lai thì không lo lắng được cho mẹ, không lo lắng được cho các em nên em quyết định thi lại. Dù có vất vả, khó khăn nhưng sau này có tương lai tốt hơn để lo cho mẹ, cho em” – Huyền quả quyết.
“Sợ đến một ngày, không chi trả nổi học phí”
Hai tháng cuối – gần đến kỳ thi THPT quốc gia, Huyền xin nghỉ làm, dốc sức ôn luyện.
Sau khi bố mất, tâm trạng của mẹ không được ổn định, mẹ thường hay khóc và đôi lúc lại còn cáu gắt. Huyền thương mẹ lắm, nên dù vất vả đến mấy cũng không dám nói với mẹ, không muốn để mẹ phiền lòng.
“Lúc đó em chỉ biết cố gắng, cố gắng và cố gắng thôi! Đôi lúc cũng cảm thấy buồn, ước gì bố còn…” – Huyền bật khóc.
Cuối cùng, nỗ lực ôn luyện của cô gái nhỏ đã được đền đáp. Vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Huyền đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào Học viện Ngân hàng và nhận thông báo trúng tuyển đại học.
Một lần nữa, Huyền một mình khăn gói ra thủ đô. Lần này không phải để đi làm thêm nữa. Cô quyết tâm theo đuổi ước mơ ấp ủ bấy lâu nay là được làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Nhưng vừa đặt chân đến ngưỡng cửa đại học, khó khăn liền ập đến. Số tiền 10 triệu đồng tích cóp sau tháng ngày làm thêm không đủ chi trả học phí, hai mẹ con Huyền phải vay mượn thêm 10 triệu đồng để Huyền kịp đóng tiền nhập học và tiền ký túc xá.
Không có tiền để trang trải sinh hoạt phí, Huyền đến gõ cửa tiệm bán quần áo ở trước cổng trường, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu vì lịch học của cô không đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Em rất lo lắng cho bốn năm học tới, sợ đến một ngày không thể chi trả nổi học phí thì sẽ phải nghỉ học, lỡ bước tương lai một lần nữa” – Huyền nói, nước mắt rơi như buông xuống những tủi hờn, vất vả trong suốt một năm qua.
Nhưng đã một lần “lỡ chuyến đò đại học”, lần này cô tân sinh viên xứ Thanh nói sẽ cố gắng hết sức mình. Trước mắt cô sẽ tìm một công việc làm thêm, sau đó vay vốn ngân hàng chính sách để trang trải chi phí học tập cho bốn năm học tới.
“Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, em biết được báo Tuổi Trẻ đang có chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Em đã làm đơn để xin được trợ cấp học bổng.
Thật may, em nhận thông báo được nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ. Giây phút nhận tin, cảm giác như có thêm niềm tin, động lực để có thể tiếp tục con đường học tập mà mình theo đuổi.
Xin cảm ơn các nhà tài trợ, cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã cho em thêm cơ hội để thực hiện ước mơ của mình” – Lê Thị Huyền, tân sinh viên Học viện Ngân hàng, chia sẻ.
Hơn 1,3 tỉ đồng học bổng cho tân sinh viên Bắc Trung Bộ
Sáng 5-10, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Đây là điểm trao thứ hai trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 568 của báo Tuổi Trẻ.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình), mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt và suất đặc biệt 50 triệu đồng suốt 4 năm học do Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, 4 tân sinh viên khó khăn còn thiếu thiết bị học tập sẽ được trao 4 laptop (trong đó, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 3 laptop, Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT hỗ trợ 1 laptop).
Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Ngoài 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong đợt trao ngày 5-10, chương trình Tiếp sức đến trường còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tuoitre.vn