Từng lơ là việc học, bị xếp loại trung bình, Hùng nâng dần điểm GPA lên 3/4, rồi trở thành Chủ tịch Hội sinh viên và thành viên Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Tuấn Hùng, quê Sóc Sơn, Hà Nội, là sinh viên năm thứ tư ngành Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi tháng 5, nam sinh được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên. Đến tháng 7, Hùng nhận quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo công nhận là thành viên Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Đây là nhiệm vụ mới mẻ, chưa bao giờ xuất hiện trong tiềm thức của em”, Hùng nói, bày tỏ tự hào khi là sinh viên duy nhất trong số 23 thành viên của hội đồng đại học.
Hùng nói dù yêu thích hoạt động đoàn hội nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ trở thành đại diện cho hơn 35.000 sinh viên, nhất là khi bản thân từng bỏ bê học hành, bị học lực trung bình ở kỳ đầu.
Ngày còn học ở trường THPT Trung Giã, Tuấn Hùng là học sinh giỏi Vật lý và đạt 28,5 điểm tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa). Nam sinh thích mọi thứ liên quan đến máy móc, động cơ, robot nên chọn vào ngành Kỹ thuật điều khiển – Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là ngành học nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động; thiết kế, điều khiển và chế tạo robot; các hệ thống cảm biến thông minh hay học về điện.
Đỗ vào một trong những ngành hot nhất Bách khoa, lại đúng sở thích, Hùng thỏa mãn. Bắt đầu cuộc sống xa nhà, không bị ai quản thúc, Hùng buông thả việc học.
Nam sinh dành nhiều thời gian đi chơi, tán gẫu với bạn bè. Lúc lên giảng đường, không còn được thầy cô sát sao như cấp ba, lớp học lên tới 150-200 sinh viên, Hùng làm việc riêng thường xuyên trong giờ.
Không tập trung học, trong khi lượng kiến thức khổng lồ, có buổi 2-3 chương sách nên Hùng không hiểu bài. Lỗ hổng kiến thức cứ lớn dần, Hùng chán nản rồi “bỏ luôn không buồn học”.
Thấy một số anh chị khóa trước chia sẻ chỉ cần tập trung học vài đêm trước khi thi, Hùng càng lười học. Ngày nào nam sinh cũng thức đến 1-2h sáng nhưng để chơi game.
Trước khi thi khoảng một tuần, Hùng mới lao vào học nhưng không thể làm chủ kiến thức trong thời gian ngắn. Kết quả, em chỉ đạt 2,33/4 điểm tổng kết kỳ I, xếp loại trung bình.
“Mười mấy năm đi học, mình chưa bao giờ bị nhiều điểm trung bình và dưới trung bình như thế, đến mức không dám kể với gia đình”, Hùng nhớ lại.
Trái ngược với Hùng, bạn thân cùng trường từ cấp hai đến đại học lại giành học bổng ngay kỳ I. Lúc này, nam sinh thấy tự ti, trở nên stress. Hùng dành thời gian suy nghĩ để tìm lại chính mình.
Hùng trở lại đường đua học tập bằng cách tìm lời khuyên về phương pháp học ở từng môn. Vẫn thức đến 1-2h sáng nhưng Hùng không còn chơi game nữa mà tập trung học bài. Nam sinh tự tổng hợp kiến thức, làm thêm bài tập, tìm tài liệu trên mạng và hỏi xin vở cũ của anh chị khóa trước để học.
Hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hùng có nhiều buổi học online. Hình thức học này trở thành lợi thế bởi Hùng có thể xem lại video các buổi học trên hệ thống. Dù chịu khó nghe giảng, nam sinh chỉ ghi lại được khoảng 70-80% nội dung. Với những đoạn chưa ghi kịp, Hùng xem lại video.
Từ kỳ II, Hùng học nhiều môn liên quan tới Vật lý nên việc học dễ dàng hơn. Nam sinh chủ động nắm bắt kiến thức suốt quá trình thay vì ôn thi trong vài đêm. Kết quả, điểm trung bình (GPA) của Hùng đạt mức giỏi – 3,46/4. Nam sinh duy trì mức điểm giỏi ở các kỳ sau và kéo được điểm GPA của 6 kỳ lên mức 3,08 (khá).
Hùng cũng tham gia Ban hỗ trợ sinh viên của trường từ năm thứ hai rồi trở thành trưởng ban này. Nam sinh nhận nhiều giấy khen vì hoạt động năng nổ trong các phong trào sinh viên. Dù phải họp hành, tham gia các hoạt động, Hùng luôn cố gắng xong trước 19h để 22h là ngồi vào bàn học.
“Cũng có thời điểm sự kiện liên tiếp khiến mình khá stress, 22h là rất mệt và không muốn học nữa. Nhưng nghĩ đến kết quả bết bát hồi kỳ I rồi nhìn vào người bạn bên cạnh, mình lại cố”, Hùng chia sẻ. Nam sinh cũng tìm cách cân bằng như duy trì một buổi đá bóng mỗi tuần.
Từ tháng 5, khi trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên, Hùng bận rộn hơn, luôn phải có mặt trong các sự kiện như sinh hoạt công dân hay talkshow về hoạt động ngoại khóa với tân sinh viên. Chàng trai Hà Nội luôn đưa ra những lời khuyên để “hạn chế tối đa những sinh viên giống như em hồi năm nhất”.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung, ủy viên Ban thường vụ Đoàn thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá Hùng là thủ lĩnh sinh viên bản lĩnh, nhiệt huyết và sáng tạo.
“Hùng luôn sâu sát mọi hoạt động, tận tâm với các nhiệm vụ, chân thành với mọi người. Bạn cũng rất nỗ lực hoàn thành tốt các học phần và đam mê nghiên cứu khoa học”, chị Dung nói.
Với vai trò thành viên Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, Hùng có chút lo lắng. Nam sinh là đại diện sinh viên toàn trường nêu ý kiến về các vấn đề như sự hài lòng về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, cũng như tham gia bảo vệ quyền lợi của người học. Mới tham gia họp hội đồng một lần, Hùng nói mình chưa thể hiện được nhiều.
“Ở các kỳ họp sau, mình sẽ cố gắng đóng góp ý kiến khách quan, đánh giá mọi thứ ở nhiều góc độ, đúng vai trò”, Hùng nói. Nam sinh cũng hy vọng hoàn thành tốt năm cuối hệ cử nhân rồi học lên thạc sĩ.
Vnexpress.net