Ngày 4/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã thông tin tới cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV khai mạc vào ngày 23/10/2023.
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, cử tri vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tóm tắt các nội dung chính trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội khẳng định, các quy định trong Dự Luật đều hướng tới mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô.
Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn…
Cử tri mong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sớm được thông qua
Nhất trí với các nhóm vấn đề được đề cập đến trong Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) và mong Dự Luật sớm được thông qua, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và nên giao HĐND Tp.Hà Nội quyết định về bộ máy, số lượng biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, cử tri đề nghị Quốc hội làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô.
Đồng thời xây dựng quy trình tuyển dụng cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong Hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng.
Ông Chu Sơn Hà – Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội kiến nghị, trong thời gian tới, cần quan tâm, giám sát việc thực hiện quy hoạch, công tác xây dựng nhà ở riêng lẻ. Phải tăng mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại Tp.Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cùng đó, phải giám sát đến cùng các dự án, tái giám sát, xem kiến nghị được thực hiện đến đâu.
Trưởng ban Đô thị HĐND Tp.Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật chức năng của Thường trực HĐND Thành phố được giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách trong tình trạng khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh;
Hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong trường hợp khẩn cấp; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được phê duyệt không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư; điều chỉnh các dự án nhóm C đã được HĐND Thành phố phê duyệt .
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); về tổ chức chính quyền tại Hà Nội (Điều 8); về cơ cấu tổ chức của HĐND Tp.Hà Nội (Điều 9);
Phân quyền cho chính quyền Tp.Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9 và Điều 10); mô hình “thành phố trong thành phố”, cơ sở cho việc hình thành Thủ đô Hà Nội là một Metropolis; Quản trị đô thị ở một số quốc gia và vài gợi mở góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đóng góp ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều 15); về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc Tp.Hà Nội (Điều 16); về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17);
Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18); ý kiến về giáo dục, chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Thủ đô; về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô (Điều 25)…
“Trọ nhiều sinh viên ít gây lãng phí”
Tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao các quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trước những sự kiện, vấn đề bức xúc xảy ra trong thời gian gần đây. Cùng đó, các cử tri bày tỏ quan tâm vào một số vấn đề dân sinh; đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cử tri Lê Văn Mão (Xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) nêu tình trạng dư thừa nhiều nhà trọ trên địa bàn xã Bình Yên, do không nắm bắt được nhu cầu tuyển sinh, gây lãng phí, trong khi trước đó các hộ dân phải vay ngân hàng để xây nhà.
“Địa bàn xã Bình Yên tiếp giáp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT và một phần trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Do trước đây có tình trạng ký túc xá không đủ chỗ ở cho sinh viên, Đại học FPT đã tổ chức hội nghị ở xã, đề nghị Nhân dân tạo điều kiện cho sinh viên thuê trọ, ổn định học tập.
Hiện lượng nhà trọ trên địa bàn nhiều, trong khi sinh viên thuê ít, gây lãng phí. Do đó, nên có chương trình phối hợp giữa các trường học, đơn vị, địa phương, đề ra kế hoạch, giải pháp…” – cử tri Lê Văn Mão đề xuất.
Cử tri Nguyễn Bá Khải (xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất) cho hay, Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn còn phần diện tích chưa thu hồi.
Dự án kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến người dân trong khu vực thực hiện dự án như không được xây dựng nhà cửa, muốn cải tạo sửa chữa phải xin ý kiến chính quyền địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Cử tri trong huyện đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về nội dung này.
“Đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch, lộ trình và bố trí kinh phí, phối hợp với địa phương để tiếp tục, chủ động GPMB diện tích còn lại của dự án, thực hiện dự án và giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống” – cử tri Nguyễn Bá Khải kiến nghị.
Thu Hương