Theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2023, Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại Thủ đô tiếp tục ở mức thấp.
Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới trong quý III/2023 đạt 1.891 căn nằm ở phân khúc hạng B, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Không có nguồn cung mới hạng A và C.
Nguồn cung sơ cấp gồm 19.808 căn, giảm 6% so với năm ngoái. Căn hộ hạng B chiếm 92% nguồn cung.
Số lượng căn bán được đạt 2.100 căn, giảm 42% theo năm. Nguyên nhân khiến phân khúc căn hộ bị “ế” là do các yếu tố kinh tế vĩ mô, khó khăn tài chính và lo ngại về khả năng chi trả đã ảnh hưởng đến thị trường nhà ở.
Dù vậy, giá căn hộ vẫn tăng. Theo đó, giá bán căn hộ sơ cấp đã tăng 13% so với năm ngoái, mức giá sơ cấp đạt 54 triệu đồng/m2. Thậm chí, mức giá này đã tăng 2% so với trước đó 3 tháng.
Trong khi đó, giá bán căn hộ thứ cấp đạt 36 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và 8% theo năm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội dự báo, trong quý IV/2023, nguồn cung tương lai gồm sẽ có thêm khoảng 2.200 căn hộ, đa phần sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Đến năm 2025, 52.500 căn từ 51 dự án sẽ được mở bán. Căn hộ hạng B vẫn sẽ là nguồn cung lớn nhất với 76% nguồn cung tương lai.
Theo bà Hằng, thị trường bất động sản nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức, tuy nhiên, việc sửa các luật, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… sẽ tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển.
Bên cạnh đó, bà Hằng cho biết, một trong những yếu tố tác động đến thị trường bất động sản Hà Nội, đó là việc huyện Gia Lâm chính thức lên quận.
Bà Hằng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Gia Lâm chiếm 31% nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội và 29% số lượng giao dịch.
Từ năm 2019, giá sơ cấp đã tăng 13% mỗi năm. Từ quý IV/2023 trở đi, Gia Lâm có nguồn cung tương lai gồm 8.700 căn.
“Việc hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy vào quý III/2023 và cầu Đuống vào năm 2025 sẽ hỗ trợ nguồn cung và số lượng căn bán được trong tương lai”, bà Hằng nhận định.