Anh P.T.T. (39 tuổi, trú tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, từng là nhân viên Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam), đại diện cho nhiều cán bộ làm việc tại bệnh viện, gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết tình trạng nợ lương và các khoản nợ khác.
Từ ngày 15/1, Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin tạm dừng hoạt động bệnh viện. Do đó, hàng chục cán bộ, nhân viên thất nghiệp.
Điều đáng nói, 22 cán bộ, nhân viên của bệnh viện này chưa được thanh toán lương và phụ cấp từ tháng 2/2022 đến ngày 15/1, tiền phụ cấp của quý I/ 2022 chưa được thanh toán, tiền vượt giờ của các năm học 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021…
Ngoài ra, tiền phúc lợi, tiền thưởng lao động tiên tiến năm 2021, tiền quần áo bảo hộ lao động các năm 2020, 2021, 2022… vẫn chưa được thanh toán
“Đa số cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam đã làm việc ở đây trên 12 năm, người làm ít nhất cũng 3 năm. Nhiều người đang rất khó khăn vì trách nhiệm gia đình, đang nuôi con nhỏ. Trong khi đó, cả năm 2022, chúng tôi chưa hề nhận được tiền lương”, đại diện người lao động của bệnh viện phản ánh.
Cũng theo người lao động của bệnh viện, trong năm qua không được nhận lương nên bảo hiểm xã hội của cán bộ, nhân viên cũng không được đóng. Từ đó, một vài trường hợp lao động nữ sinh con trong năm 2022 đã không nhận được chế độ thai sản kịp thời.
Đặc biệt có trường hợp người lao động khi sinh không có BHYT nên phải tự bỏ tiền để đóng viện phí, cuộc sống đã khó nay càng chật vật hơn cho người lao động, làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cả thể chất lẫn tinh thần.
Với những lý do trên, 22 cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã làm đơn gửi UBND và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét và sớm đưa ra hướng xử lý phù hợp cho tất cả số lao động này.
Về thắc mắc của cán bộ, nhân viên của bệnh viện, ông Huỳnh Tấn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam, kiêm Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện – cho biết, lý do dẫn đến nợ của bệnh viện trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, bệnh viện vượt mức trần, vượt nguồn quỹ và vượt tổng mức thanh toán.
Ông Tuấn giải thích, trong những năm đầu mới thành lập, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên của bệnh viện chăm sóc tận tình, chu đáo nên bệnh nhân đến khám, chữa bệnh rất đông dẫn đến vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT.
Tình hình vượt trần, vượt dự toán qua các năm 2016-2020 với số tiền hơn 11 tỷ đồng, bệnh viện cũng đã nhiều lần báo cáo gửi cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế Quảng Nam để giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán.
Mặc dù vậy, bệnh viện cũng đã thanh toán được tiền công, tiền lương và các khoản phụ cấp cho người lao động trong giai đoạn 2016-2020.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam cho hay, từ năm 2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ít dần, bệnh viện hụt thu. Cùng với đó, bệnh viện được trưng dụng làm cơ sở điều trị Covid-19 thể nặng dẫn đến nguồn thu của đơn vị giảm sút nghiêm trọng.
Nhà trường đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng để xin cấp bù kinh phí hụt thu trong thời gian trưng dụng bệnh viện điều trị Covid-19 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào. Chính vì thế, bệnh viện không có nguồn để chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động.
Do hụt thu nên ngày 15/1, nhà trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin tạm dừng hoạt động bệnh viện để tái cơ cấu lại bộ máy, ổn định nhân lực để tiếp tục hoạt động.
“Nhà trường cam kết sau khi được BHXH thanh toán số tiền vượt trần, vượt dự toán từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ chỉ đạo bệnh viện chuyển trả hết số nợ cho người lao động trong thời gian sớm nhất”, ông Huỳnh Tấn Tuấn cho biết.