3 tiêu chí được nới lỏng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đối với NƠXH, dự thảo luật Nhà ở đã sửa đổi nhiều nội dung theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua NƠXH. Bổ sung thêm chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Dự thảo lần này điều chỉnh lại 3 tiêu chí là điều kiện về cư trú, thu nhập và nhà ở. Trong đó, bỏ tiêu chí về cư trú. Vì người mua nhà đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua NƠXH.
Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao hơn so với hiện hành. Cụ thể, về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng mua NƠXH, nay có thể xem xét lên 15 m2/người. Điều kiện này giống một số nước trong khu vực.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đề cập các chính sách cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua NƠXH.
Hiện, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo. Dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. Dự thảo luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về nhà NƠXH. Riêng nhóm chính sách về NƠXH, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thống nhất sẽ có hiệu lực ngay sau khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Rào cản mua NƠXH sẽ loại bỏ
Việc Bộ Xây dựng xem xét nới lỏng một số tiêu chí đối với NƠXH trong dự thảo Luật nhà ở sửa đổi lần này dựa vào nhiều kiến nghị của doanh nghiệp làm NƠXH và người mua nhà.
Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch HH BĐS VN chia sẻ, 3 tiêu chí được xem xét lược giảm bớt sẽ tạo điều kiện mở đối với người dân đang có nhu cầu mua NƠXH. Trước đây, Luật Nhà ở đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng và điều kiện mua NƠXH. Nghị định, thông tư cũng như đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về từng điều kiện của đối tượng như nhà ở, thu nhập, nơi cư trú… nhưng việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, khi tiếp nhận hồ sơ, chủ đầu tư không đủ dữ liệu thông tin để kiểm tra về thu nhập và điều kiện nhà ở. Nên khi nộp danh sách lên cơ quan quản lý bị trả lại. Điều này gây rủi ro cho chủ đầu tư khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng, ghi nhận doanh thu bán NƠXH với các trường hợp này.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về đối tượng được hưởng chính sách về NƠXH còn khá hạn hẹp, với các điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ; việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua NƠXH còn phức tạp, khó khăn. Đây là một trong những lý do khiến NƠXH chưa hấp dẫn đối với người dân.
Trao đổi với PV, TS.LS Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO kiến nghị, vướng mắc lớn nhất trong vấn đề giao đất là quy định buộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại III trở lên phải dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH. Việc áp dụng yêu cầu chung với tất cả các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất cho NƠXH mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; điều kiện kinh tế – địa lý vùng miền có thể dẫn đến tình trạng các dự án đều phải dành quỹ đất cho NƠXH nhưng lại không sử dụng, lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá nhà ở. Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã “lách” quy định pháp luật về việc dành quỹ đất để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.
“Từ thực tế cho thấy, khó khăn về tạo lập quỹ đất cho các dự án NƠXH là rào cản lớn nhất đối với người dân bởi thiếu đất giá bán sẽ cao. Tôi hi vọng lần sửa đổi Luật lần này sẽ là bước đột phá trong việc giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai, để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm NƠXH. Khi nguồn cung NƠXH tăng lên thì sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.” – ông Bình nhấn mạnh.
Tại phiên giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi ngày 31/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đặt ra yêu cầu: Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình có nhà ở tùy theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau. Đặc biệt, làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội. Rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ so với thực tiễn quản lý lĩnh vực nhà ở.