Cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, nhưng có người được bảo lưu số tháng đóng thừa, có người không do hướng dẫn khác nhau của cơ quan chuyên môn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa gửi công văn tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn việc bảo lưu thời gian hưởng trợ cấp cho lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng. Một năm qua, cơ quan này đã hai lần gửi văn bản xin hướng dẫn cùng một nội dung, lần đầu vào tháng 10/2022.
Luật hiện hành quy định thời gian đóng để hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng tháng đóng liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi lao động tham gia đến lúc chấm dứt hợp đồng mà chưa nhận chế độ. Người đóng đủ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng sẽ hưởng ba tháng trợ cấp, sau đó cứ thêm 12 tháng đóng thì cộng một tháng hưởng, tối đa không quá 12 tháng. Như vậy, lao động đóng đủ 144 tháng (12 năm) bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp tối đa.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện từ ngày 1/1/2009, nếu lao động tham gia liên tục tới ngày 1/1/2021 sẽ tích lũy đủ 144 tháng đóng để hưởng trợ cấp tối đa khi nghỉ việc. Nhiều người đóng trên 144 tháng, sau đó nghỉ việc thắc mắc số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thừa được giải quyết thế nào. Các địa phương vì thế phải hỏi lại cơ quan chuyên môn.
Trong văn bản trả lời Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động) hồi tháng 5/2021, Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu rõ “thời gian đóng vượt quá 144 tháng được xác định là thời gian đóng nhưng chưa giải quyết hưởng trợ cấp” (nghĩa là bảo lưu, ghi nhận trên hệ thống).
Dựa trên hướng dẫn này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành khác đã chi trả trợ cấp tối đa 12 tháng và bảo lưu thời gian đóng còn lại. Thống kê cả nước có 20.710 người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa và được bảo lưu thời gian đóng thừa, tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 8/2022.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng xác nhận lại thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bởi đây là một trong các điều kiện xác định người đó có thuộc diện thụ hưởng 1,8-3,3 triệu đồng từ gói 38.000 tỷ đồng của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ban hành tháng 9/2021 hay không.
Đến 15/8/2022, Cục Việc làm tiếp tục gửi công văn hướng dẫn Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh thành, nêu rõ người đóng trên 144 tháng chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu số tháng thừa còn lại.
Vướng mắc phát sinh vì có tỉnh điều chỉnh không bảo lưu và có tỉnh vẫn bảo lưu tháng đóng thừa cho người lao động đã hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng. Tình trạng này khiến ngành bảo hiểm xã hội không thể xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên hệ thống cho nhóm lao động đã tham gia trên 12 năm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vì thế lại đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm hướng dẫn thống nhất, bởi nhiều người tham gia trên 12 năm đã hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo, nếu không gỡ rối sẽ gây khó khăn trong thu hồi tiền hưởng. Việc thực hiện không thống nhất trên cả nước cũng gây bất bình đẳng cho người lao động vì có người được bảo lưu, người không.
Trong khi chờ hướng dẫn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời không bảo lưu tất cả trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm được hưởng trợ cấp tối đa từ năm 2021.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của lao động khi mất việc, hỗ trợ họ học nghề, duy trì hoặc tìm việc làm mới. Theo quy định, lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng, doanh nghiệp 1% quỹ tiền lương tháng của tổng số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục.
Cuối năm 2022, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng.
Hồng Chiêu