Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản và thủy sản.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và ngành thủy sản nước ta luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự, chủ trì nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm sản, thủy sản nói riêng.
Ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD; đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022…
Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân trong phòng chống đại dịch COVID-19, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để ứng phó với những khó khăn, thách thức rất lớn, chưa có tiền lệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ bên trong và bên ngoài.
Những kết quả, thành tựu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, lâm sản, thủy sản đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước năm 2022, nổi bật là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Năm 2023, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 cần tiếp tục phải khắc phục; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tổng cầu giảm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; giá cả nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu biến động, nhất là xăng dầu; nhiều nước điều chỉnh chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ, một số ngân hàng lớn phá sản, sụp đổ… Ở trong nước, chúng ta phải tiếp tục xử lý các vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhiều công việc tồn đọng, kéo dài.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp.
Hội nghị này được tổ chức tiếp nối nhiều hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì thời gian qua nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới, chỉ rõ các chủ thể (Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp…) cần làm gì để thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.