Xe máy của ông Hùng luồn lách giữa dòng người, đôi mắt soi từng quầy hàng trong hội chợ tấp nập, tìm kiếm những gánh hàng rong “ẩn nấp”. Bất chợt, ông ra hiệu cho đồng đội, đưa ngón trỏ về hướng một người phụ nữ mặc áo phông trắng lái chiếc Air Blade đen chạy sau. Tất cả ngầm hiểu đó là “kẻ theo đuôi”.
“Hội bán hàng rong buôn bán theo nhóm, thấy lực lượng trật tự đô thị đi là cử 1-2 người theo để báo động vị trí, né mình”, ông giải thích, tỏ ra thành thục với các “chiêu trò” lẩn trốn.
Nghiệp vụ từ khi ông còn làm công an trở nên hữu ích lúc này. Đang đi, ông bất thình lình rẽ phải. Người phụ nữ áo trắng mất đà đi vụt qua, lấm lét quay lại nhìn, gặp ngay ánh mắt “cảnh cáo” của ông Hùng. Nhưng vô ích, “kẻ theo đuôi” không bỏ cuộc, tiếp tục đeo bám suốt cả buổi, cùng đi, cùng dừng như một thành viên của tổ công tác.
Sau nhiều năm kinh nghiệm, ông Hùng chia những người bán hàng di động theo hai nhóm: dân buôn bán “có hồ sơ”; và những người khó khăn, sinh viên trẻ tìm đường mưu sinh. Ông tự tin nhận định “dòm mặt là biết ai cộm cán, ai mới vào nghề”. Những trường hợp mới vi phạm, ông thường chỉ nhắc nhở rồi cho qua.
“Không thể xử lý hết được, nhưng phải phạt để làm gương. Nếu không, họ sẽ bán tràn lan”, ông nói.
Đội trưởng Đội Trật tự đô thị quận 1 Nguyễn Đức Thắng, Phó Phòng Quản lý đô thị, giải thích vỉa hè là nơi phản ánh rõ nhất tình trạng kinh tế của những lao động phi chính thức. Thế nên sau đại dịch, Đội “phạt không xuể” vì lượng người ra vỉa hè mưu sinh nhiều vô kể.
“Nhiều người đặt vấn đề tại sao đô thị xử lý không kiên quyết, không triệt để. Thực sự chúng tôi làm không thở kịp. Phạt không giải quyết được cái gốc lõi của vấn đề”, ông nói.
Tổ trưởng Lê Hữu Hùng cũng thừa nhận thực tế dù Đội tuần tra liên tục, nhưng mỗi lần quay lại tình hình đều như cũ, người bán hàng rong thay đổi hình thức bán để đối phó. Ông đề xuất thành phố quy hoạch khu vực riêng cho người bán hàng rong, và chỉ cho bán đến hai năm rồi nhường chỗ cho người khác. Đây như cách thành phố hỗ trợ những người khó khăn trong giai đoạn đầu “khởi nghiệp”, còn cán bộ trật tự đô thị như ông cũng không phải mải miết trong cuộc đuổi bắt không biết điểm dừng.
Nơi ẩn náu
Trong cuộc tìm kiếm gắt gao của trật tự đô thị, nhiều người bán hàng rong đã tự tìm ra “nơi ẩn náu” cho mình, thông qua sự giúp đỡ của những chủ nhà mặt tiền. Giao dịch với chủ nhà để có một điểm bán cố định trên vỉa hè trở thành một “khế ước ngầm” mà nhiều người bán hàng rong chấp nhận tuân theo với nguyên tắc thuận mua vừa bán.
Một chủ nhà trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, cho biết đã cho thuê mặt bằng tầng trệt làm tiệm cắt tóc, nhưng vỉa hè trước cửa còn chỗ trống nên cần tìm người thuê. Giao dịch không cần hợp đồng, nộp tiền mặt. Giá thuê đã bao điện, nước, chỗ để đồ và thậm chí cả nhà vệ sinh. Trong khi đó, người thuê sẵn sàng trả mức phí 2-3 triệu đồng mỗi tháng để được buôn bán yên ổn. Vỉa hè vô tình trở thành một loại hình bất động sản với hiệu suất sinh lời gần như tuyệt đối.
Hình ảnh bài đăng công khai trên mạng xã hội tìm người thuê vỉa hè
Trong nghiên cứu về đời sống vỉa hè Sài Gòn, GS ngành Chính sách công Annette M.Kim gọi đây là “sự hợp tác với người bán hàng và chủ sở hữu bất động sản”. Việc phải trả phí hay buôn bán miễn phí trước mặt tiền là thỏa thuận riêng của từng người. Bà cho rằng đây là điều đáng ngạc nhiên và cho thấy nét nhân văn trong văn hoá đô thị Sài Gòn, khác hẳn hầu hết các thành phố khác ở Mỹ và châu Âu, nơi hai đối tượng này thường chống lại nhau thay vì chia sẻ không gian để đôi bên cùng hưởng lợi.
Nhờ sự dàn xếp đó, những người buôn bán trên vỉa hè tạo thành một hệ sinh thái hoạt động gối đầu liên tục, khiến nhiều mặt bằng vỉa hè hầu như không có thời gian chết. Vỉa hè đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, là một minh chứng khi hàng quán liên tục thay phiên nhau sử dụng hè phố hết công suất.