Cây quế lên xanh trên đất An Toàn
Thời gian qua, huyện An Lão đã khuyến khích, động viên nhân dân xã An Toàn cải tạo, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây quế, loại cây trồng được xác định là phù hợp với khí hậu, chân đất địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
An Toàn là xã vùng cao của huyện An Lão, trong đó đồng bào dân tộc Bana chiếm hơn 95% dân số. Nhận thấy lợi thế về kinh tế đồi rừng có thể đem lại hiệu quả cao, người dân trong xã đã chú trọng phát triển trồng rừng, đặc biệt là trồng cây quế – vốn phát triển tốt, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao hơn so với quế trồng ở các nơi khác.
Cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con dân tộc Bana xã An Toàn, huyện An Lão phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: D.T.D |
Gia đình ông Đinh Văn Trai, thôn 1, xã An Toàn cho biết: Trước đây, tôi chủ yếu trồng một số loại cây lương thực như lúa, bắp, mì, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy tiềm năng kinh tế tốt từ cây quế, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, chính quyền xã, gần 10 năm nay tôi chuyển dần hơn 10 ha diện tích đất đồi sang trồng quế.
Hiện nay, mỗi cân cành, lá quế mua ngay tại rừng có giá 1.500 đồng, vỏ quế tươi từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, vỏ quế khô 55.000 – 60.000 đồng/kg, ngay cả gỗ quế sau khi bóc vỏ cũng bán được xấp xỉ 2 triệu đồng/m3 tùy vào đường kính cây gỗ. Nhờ đó, những gia đình trồng quế như ông Trai có nguồn thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng mỗi năm và năm sau cao hơn năm trước. Cuộc sống từ đó cũng đổi thay, mua sắm được các vật dụng phục vụ sản xuất như máy cày, máy cắt lúa, hay các đồ dùng sinh hoạt, chăm lo cho các con ăn học đầy đủ.
Người nọ học hỏi người kia, đến nay gần như tất cả hộ dân ở toàn bộ 3 thôn của xã An Toàn ít nhiều đều có rừng quế. Hộ ít thì có 2 – 3 ha, hộ nhiều trồng tới 20 ha. Riêng từ giữa năm 2022 đến nay, bà con xã An Toàn đã trồng mới được hơn 100 ha quế, nâng tổng diện tích cây quế toàn xã gần 175 ha, trở thành địa phương có diện tích trồng cây quế lớn nhất huyện An Lão.
Nhận thấy hiệu quả mang lại từ cây quế, cuối năm 2022, Hội Nông dân xã An Toàn đã phối hợp với UBND xã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng cây quế với 16 hộ tham gia. Đây là một trong những mô hình kinh tế đầu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm tại xã An Toàn. Hiện nay, Chi hội tạo ra việc làm thường xuyên cho khá nhiều lao động tại địa phương, công việc chủ yếu là vào bầu quế, chăm sóc vườm ươm, chăm sóc rừng quế, chặt tỉa cành, bóc vỏ quế…
Ông Lê Minh Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, cho biết: Khi bắt đầu phát triển cây quế, chúng tôi không nghĩ diện tích cây quế lại phát triển nhanh đến vậy. Hơn nữa, từ khi thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng cây quế đã tạo việc làm cho 5 – 7 lao động với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Đó là lao động thường xuyên, còn khi đến cao điểm mùa vụ thu hoạch thì thu hút khoảng 20 – 30 lao động. Cái đáng quý của mô hình này là còn làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con dân tộc Bana. Bây giờ, bà con biết cách phối hợp làm việc, sản xuất cùng nhau, biết áp dụng tiến bộ KHKT, giống mới, cách làm mới… Thấy có hiệu quả kinh tế cao nên bà con cũng chỉ cho nhau nhân rộng mô hình trồng quế đến tất cả thôn trong xã.
Để cây quế phát triển bền vững, huyện An Lão sẽ lên kế hoạch cụ thể theo hướng phát triển diện tích trồng quế ở xã An Toàn thành vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, sẽ từng bước xây dựng các sản phẩm từ cây quế thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, HTX để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Được như vậy, cây quế trên chân đất An Toàn sẽ phát huy tối đa giá trị của mình.
DIỆP THỊ DIỆU