Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và bất thường hơn, Ngành KTTV Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, đổi mới công nghệ hiện đại và đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường vì sự bình yên và phát triển bền vững đất nước.
Các hoạt động KTTV bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 1954
Hoạt động KTTV đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1891; tuy nhiên, lịch sử của ngành KTTV Việt Nam được xác định bắt đầu từ ngày 3/10/1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thủy văn thuộc về Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, ra đời ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954, các hoạt động KTTV bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới trạm đã tăng hơn 400 trạm, điểm so với trước với nhiều loại hình trạm quan trắc mới như: thám không vô tuyến, khí tượng nông nghiệp, bức xạ…, cả nước đã phát triển mạnh hoạt động “Thủy văn Nhân dân”: 20 tỉnh Miền Bắc đã có 600 xã làm Thủy văn Nhân dân.
Trải qua các thời kỳ, năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Tổng cục KTTV được thành lập theo Nghị định số 215 ngày 5/11/1976 của Chính phủ (trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thủy văn), mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ngành. Cũng trong năm này, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) – cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về KTTV.
Giai đoạn này, hệ thống tổ chức của ngành đã có nhiều lần thay đổi để phù hợp với những đòi hỏi cấp bách trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế đất nước.
Năm 1976, ngành KTTV đã đăng ký vào danh sách mạng lưới trạm cơ bản của WMO và thực hiện phát báo quốc tế đối với 22 trạm khí tượng, trong đó có Trạm Trường Sa, Trạm Hoàng Sa. Tháng 7/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục KTTV.
Ngành KTTV đã tham gia các tổ chức quốc tế như: Ủy ban Bão quốc tế, Tiểu ban Khí tượng Vật lý địa cầu ASEAN; phát triển thêm 130 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn trên Quần đảo Trường Sa và khu vực biên giới hải đảo.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1975 đến đầu năm 2000, công tác dự báo thời tiết chủ yếu dựa vào các kết quả từ các phương pháp: Dự báo Synop + Thống kê vật lý + Xử lý theo kinh nghiệm của dự báo viên.
Mạng lưới trạm quan trắc KTTV tiếp tục được củng cố, phát triển trên phạm vi cả nước đã khôi phục và xây dựng mới tăng thêm 130 trạm KTTV, hải văn các tỉnh phía Nam từ biên giới Tây Nam đến quần đảo Trường Sa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên các tỉnh Biên giới, hải đảo và vùng Biển Đông.
Những năm cuối thập niên 90 khi Internet hoạt động ở Việt Nam, Ngành đã bước đầu nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm sản phẩm dự báo số trị từ mạng Internet, đây là tiền đề cho phát triển công nghệ dự báo số trị hiện đại sau này.
Đặc biệt Mạng lưới quan trắc hiện đại như: Thám không vô tuyến, radar thời tiết với sự hỗ trợ của các nước như: Liên Xô, Pháp đã được hình thành từ những năm 1970 sau này là tiền đề quan trọng để Tổng cục KTTV mở rộng phát triển mạng quan trắc hiện đại khai thác ứng dụng và phục vụ dự báo cảnh báo thiên tai nguy hiểm sau này.
Giai đoạn 2000 – nay: Bước khởi sắc toàn diện Ngành KTTV Việt Nam
Thời kỳ này đất nước ta bước vào đổi mới với những thành quả phát triển kinh tế và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc đầu tư đồng bộ và nâng tầm công tác KTTV.
Năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 91 thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Tổng cục KTTV, Tổng cục Địa chính và một số lĩnh vực của 1 số bộ, ngành khác.
Luật KTTV năm 2015 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2016. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03 ngày 9/3, Thành lập Tổng cục KTTV trên cơ sở Trung tâm KTTV quốc gia và bộ phận quản lý nhà nước về KTTV của Cục KTTV&BĐKH. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục được quản lý thống nhất theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, với 23 đơn vị trực thuộc, gần 3.000 công chức, viên chức và người lao động.
Ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành đã thực hiện Quyết định số 10/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Những văn kiện quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành là kim chỉ nam cho mọi hành động của ngành để từng bước đáp ứng những yêu cầu cấp thiết cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Vai trò và vị thế của ngành KTTV từng bước được hoàn thiện, thể hiện tầm quan trọng đối với sự phát triển xuyên suốt và thống nhất của ngành tài nguyên và môi trường trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.
Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục định hướng phát triển mở rộng, nâng tầm vai trò và vị thế của Việt Nam đối với quốc tế như: Liên hợp quốc, khu vực Châu Á Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á. Ngành KTTV Việt Nam đã góp phần giúp cho thế giới nhìn nhận Việt Nam là một mẫu hình trong việc chủ động xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm giúp cho không chỉ người dân Việt Nam, chính quyền địa phương mà ngay cả các nước trên thế giới tham khảo để phát triển. Điều này được khẳng định qua chuyến thăm và làm việc của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tới thăm Tổng cục KTTV tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, Tổng cục KTTV và WMO chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc giao Việt Nam là Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á tại Geneva (Thụy Sỹ). Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất FFGS đưa vào hệ thống tác nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất sớm hơn, chi tiết hơn ở Việt Nam và chia sẻ hỗ trợ cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á như: Lào, Thái Lan, Campuchia.
Đặc biệt tháng 6/2023, đại diện của Tổng cục KTTV Việt Nam được tín nhiệm là Quyền Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á (RAII) cho đến khi bầu cử vị trí Chủ tịch RAII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Ngành KTTV cũng đã khai thác và tận dụng tối đa mọi nguồn lực từ sự hỗ trợ nghiệp vụ của WMO đến các dự án hợp tác chuyên ngành với các nước phát triển như Nhật Bản, Phần Lan, Hàn Quốc, Italia, Anh…. Một trong những nỗ lực đó có vai trò thiết thực từ các Dự án của cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA).
Từ một mạng lưới hơn 90 trạm quan trắc ban đầu, đến nay mạng lưới quan trắc KTTV hiện có hơn 3.000 trạm/điểm đo trên toàn quốc; mạng lưới đo mưa thủ công từ năm 1960 đã được thay thế hoàn toàn bằng hệ thống đo mưa tự động. Tỷ lệ các trạm KTTV bề mặt đã được tự động hóa đạt gần 40%, có những loại hình trạm đạt tới trên 80%. Ngành đã hoàn thiện hệ thống radar hiện đại tại các vùng trọng điểm, khai thác Mạng lưới 18 trạm định vị sét toàn cầu. Nhiều mô hình toán thủy văn hiện đại trên thế giới đã được nghiên cứu và áp dụng trong công tác dự báo, cảnh báo lũ. Dự báo hải văn cũng phát triển phục vụ dự báo biển và các ngành kinh tế biển.
Khi thiên tai xảy ra, mỗi chiến sỹ trên mặt trận KTTV đã tự rèn cho mình đức kiên trì, sự chuẩn xác, đối mặt với nhiều hiểm nguy để nắm bắt và phân tích thông tin, đưa ra những quyết định dự báo phục vụ công tác chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Đơn vị tiêu biểu trong ngành TN&MT ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ
Những năm qua, ngành KTTV là một trong các đơn vị tiêu biểu trong ngành TN&MT triển khai nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ của Tổng cục. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, cốt lõi trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Ngành đã và đang từng bước đưa hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu tập trung vào hoạt động nghiệp vụ (CDH). Đến nay, tất cả các số liệu quan trắc thủ công, tự động từ hơn 3.000 trạm, điểm quan trắc truyền thống và tự động trên cả nước cũng như nhiều loại dữ liệu quốc tế phục vụ công tác dự báo, cảnh báo đều đã được thu thập, quản lý tập trung và được chia sẻ tức thời cho các đơn vị chuyên môn trực thuộc Tổng cục khai thác sử dụng nhanh chóng, hiệu quả, cảnh báo tác động đến cộng đồng. Trong nghiệp vụ dự báo đã ứng dụng Smartmet trong việc ra bản tin dự báo nhanh chóng.
Trong 3 năm qua đã có 2 đơn vị là Đài Khí tượng Cao không và Đài KTTV khu vực Nam Bộ trực thuộc Tổng cục KTTV đã được trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards”, giải thưởng tôn vinh các tổ chức, cá nhân xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngành KTTV đã kịp thời đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, khoa học kỹ thuật. Một số mô hình khu vực phân giải cao được áp dụng, đã tiến hành dự báo cho khoảng 650 địa điểm cụ thể trên đất liền và khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Dự báo mưa định lượng từ mạng lưới quan trắc radar thời tiết và trạm mưa tự động đã từng bước được ứng dụng cho dự báo thủy văn nâng cao khả năng cảnh báo sớm nhiều loại thiên tai như lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới công tác KTTV có một vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, để thích ứng với BĐKH, Ngành KTTV cần tiếp tục bám sát những định hướng phát triển chung của ngành Tài nguyên và Môi trường để phục vụ phát triển bền vững.