Đến dự có Trung tướng Lê Hồng Nam (Giám đốc Công an TP.HCM), đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC – cứu nạn cứu hộ (CNCH), PC07, ông Võ Đức Thanh (Chủ tịch UBND H.Bình Chánh), PGS-TS Trương Quang Định (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cùng lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Công an TP.HCM.
Tình huống giả định, khoảng 10 giờ cùng ngày, do chập điện nên tại khu vực kho vật tư trang thiết bị Khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện, tầng 3 ở tòa nhà 8 tầng của bệnh viện này xảy ra cháy. Đám cháy sau đó lan ra khu vực xung quanh.
Phát hiện hỏa hoạn, nhân viên bảo vệ đã kích hoạt nút ấn báo cháy khẩn cấp để báo động cháy toàn bộ bệnh viện, đồng thời gọi điện báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số 114.
Lực lượng PCCC cơ sở tìm cách di chuyển đồ đạc, nỗ lực hướng dẫn thoát nạn cho 200 người trong bệnh viện. Tại một số tầng, người dân không thoát nạn được bằng thang bộ nên di chuyển ra ban công vẫy tay cầu cứu.
Nhận tin báo, Phòng PC07 điều động hàng chục phương tiện và cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy, cứu người mắc kẹt.
Quá trình này, Đội PCCC cơ sở cứu 10 người đưa ra ngoài và hướng dẫn hơn 500 người thoát nạn; kịp thời chuyển xe máy tại tầng hầm ra ngoài. Đồng thời, lực lượng chức năng dùng xe thang cứu hàng chục người ra ngoài an toàn.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, việc diễn tập huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là thiết thực, quan trọng, cần thiết.
Diễn tập là dịp để lực lượng kiểm tra, đánh giá toàn diện phương tiện, sự phối hợp giữa các lực lượng trong đáp ứng yêu cầu ứng phó với sự cố cháy, nổ, CNCH xảy ra. Đồng thời là cơ hội để rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống thực tế cho lực lượng PCCC – CNCH. Đặc biệt là thiết lập cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nâng cao năng lực chỉ huy điều hành, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu của lực lượng PCCC tại chỗ và PCCC chuyên nghiệp.
PGS-TS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, từ khi thành lập, bệnh viện được trang bị hệ thống PCCC hiện đại; hằng năm đều phối hợp Công an TP.HCM để tập huấn cho gần 1.000 cán bộ, nhân viên.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn thành lập đội PCCC tại chỗ với hơn 100 thành viên sẵn sàng thực hiện công tác chữa cháy ngay khi có sự cố.
“Đối với lực lượng PCCC tại chỗ từ 60 đến 100 người, được công an đào tạo chặt chẽ như cách sử dụng bình chữa cháy, cách sử dụng vòi nước, những đường thoát nạn, thoát hiểm. Ngoài ra các kiến thức cơ bản cứu người khi bị ngạt khói cũng được huấn luyện đầy đủ”, PGS-TS Trương Quang Định nói.