Ngày 2/10, Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov tuyên bố, nước này không có kế hoạch mua khí đốt từ tập đoàn Gazprom của Nga trong tương lai.
Moldova tuyên bố không mua khí đốt từ Gazprom. Ảnh minh họa. (Nguồn: Anews) |
Ông Parlikov nói: “Chúng tôi không mua khí đốt tự nhiên từ Gazprom cho các vùng lãnh thổ do các cơ quan hiến pháp kiểm soát. Moldova đã mua nhiên liệu từ thị trường châu Âu với mức giá thấp hơn”.
Cuối tháng 10/2021, chính quyền Moldova và Gazprom đồng ý gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt cho Moldova thêm 5 năm. Trong quá trình đàm phán, Gazprom đề nghị giảm giá 25% cho Chisinau song yêu cầu Chisinau trả khoản tiền nợ nhiên liệu trị giá 709 triệu USD.
Khi đó, đại diện chính thức của Gazprom Sergey Kupriyanov thông báo rằng khoản nợ của Moldova là 433 triệu USD, nhưng tính đến việc chậm thanh toán tổng số tiền lên tới 709 triệu USD.
Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilitsa tuyên bố, nước này không công nhận khoản nợ này.
Đầu tháng 9, Tổng thống Moldova Maia Sandu công bố kết quả cuộc kiểm toán khoản nợ của nước này với Gazprom và cho biết công ty kiểm toán không xác định được khoản nợ.
* Theo giám đốc điều hành Michael Lewis của tập đoàn năng lượng Uniper, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga có thể vẫn đã được chuyển đến các kho cảng của Đức, bất chấp cam kết của gã khổng lồ này.
Ông thông tin: “Moscow tiếp tục bán LNG cho thị trường thế giới. Các thương nhân, bao gồm cả Uniper, không phải lúc nào cũng biết nguồn gốc của khí đốt mua vào”.
Uniper ngừng mua khí đốt Nga vào cuối tháng 8/2022, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tháng 2 năm nay, Uniper công bố khoản lỗ kỷ lục 19,1 tỷ Euro (tương đương 20,3 tỷ USD) trong năm 2022, với lý do nguồn cung khí đốt của Nga bị đóng băng hoàn toàn. Đây được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.
Theo CEO Lewis, Đức đã chuẩn bị tốt hơn cho mùa Đông sắp tới so với một năm trước khi các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này đã lấp đầy 95%, tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.
Giám đốc điều hành Uniper cho biết: “Nếu trời trở nên rất lạnh hoặc có vấn đề với việc mua LNG thì mùa Đông năm nay sẽ rất khó khăn. Hoặc nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển và nhu cầu LNG tăng lên, châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu cũng như giá cả tăng vọt”.