Theo sử sách Trung Quốc, ngay khi quân khởi nghĩa Tống Giang mở rộng tầm ảnh hưởng ở đồng bằng Hoàng Hoài, vào mùa đông năm 1120, Phương Lạp, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân ở Chiết Giang, cũng dẫn quân công phá Sở Châu và Tú Châu. Cuộc tấn công diễn ra ác liệt khiến nhà Bắc Tống rất hoảng sợ.
Chuyện Tống Giang chịu “chiêu an”
Tống Huy Tông, người chỉ biết múa hát thâu đêm và suốt ngày say xỉn, rất sợ hãi, vội vàng triệu tập các quan lại để bàn biện pháp đối phó. Nhưng ông ta chỉ nhận được những lời bẩm tấu mơ hồ và lảng tránh. Ngay khi Tống Huy Tông đang bối rối, chỉ biết trách tả hữu không có ai là tướng giỏi và trung thành, có người tên Hầu Mông viết một bức thư dâng lên, tâu: “Tống Giang với ba mươi sáu thủ hạ, trong tay có hàng vạn binh mã, không ai dám chống lại”, chứng tỏ hắn nhất định có tài phi thường, chi bằng chiêu an, để hắn dẫn binh đánh Phương Lạp chuộc tội, không chừng còn có thể dẹp loạn ở Đông Nam”. Tống Huy Tông rất tán đồng lời tâu này, nhiều lần ca ngợi: “Mông khi ở bên ngoài không quên hoàng đế, y cũng là một viên quan trung thành” (“Tống sử” Tập 351, phần “Tiểu sử Hầu Mông”).
Huy Tông ngay lập tức xuống chiếu phong Hầu Mông làm thái thú Đông Bình, chịu trách nhiệm chiêu an Tống Giang. Hầu Mông lúc này đã 68 tuổi, đang chuẩn bị nhậm chức thì bất ngờ lâm bệnh qua đời, kế sách quy phục không thành.
Năm 1120, Tống Giang lại phát động nam tiến. Mặc dù quân Lương Sơn ít, nhưng rất thiện chiến. Quân khởi nghĩa tiến vào Ích Châu, thứ sử Ích Châu là Khương Nguyên nghênh chiến, hai bên đánh nhau ác liệt. Quân Lương Sơn cuối cùng bị đánh bại vì quân Tống đông hơn. Đầu năm 1121, Tống Giang dẫn quân khởi nghĩa tiến vào khu vực Giang Tô, bị chặn đánh, đại bại và phải rút lui. Vào tháng 2, quân Tống Giang tiến vào Hoài Dương (nay là phía nam Bội Châu, tỉnh Giang Tô), chính quyền Bắc Tống khẩn cấp ra lệnh cho thái thú Hải Châu mới được phong chức là Trương Thúc Dạ cố gắng chiêu an Tống Giang và thủ hạ.
Khi Trương Thúc Dạ đến Hải Châu, quân nổi dậy đang chuẩn bị công thành. Tống Giang và các tướng lĩnh đã phân tích kỹ càng các đặc điểm của Hải Châu và tình hình phòng thủ trong thành. Nghĩa quân quyết định đột kích từ phía biển. Họ tấn công vào bờ biển và bắt giữ hơn 10 tàu lớn. Tuy nhiên, sau khi Trương Thúc Dạ nhận được sắc lệnh “chiêu an” Tống Giang, họ Trương đã lên kế hoạch cẩn thận. Đầu tiên Trương đăng thông báo ai bắt được Tống Giang sẽ được thưởng hàng chục triệu quan tiền. Ai bắt được Quan Thắng, Hô Diên Chước, Võ Tòng, Trương Thanh (các thủ hạ của Tống Giang) sẽ được thưởng 10 vạn quan tiền. Ai bắt được Đổng Bình và Lý Tấn sẽ được thưởng 5 vạn quan. Số tiền thưởng khác biệt cũng là cách để Trương Thúc Dạ gây chia rẽ trong hàng ngũ nghĩa quân.
Cùng lúc đó, Trương Thúc Dạ cũng cử gián điệp đi điều tra tình hình của quân nổi dậy. Khi biết quân nổi dậy từ biển xông vào, ông nhanh chóng chiêu mộ hơn 1.000 quân cảm tử và bố trí mai phục gần thành. Ông cũng phải một cánh quân nhỏ đến bãi biển để dụ địch, đồng thời cho đại quân mai phục bên bờ biển. Hai bên giao tranh. Trương Thúc Dạ ra lệnh cho quân dụ quân Lương Sơn rời tàu lên bờ, nhân cơ hội đó đốt cháy thuyền của nghĩa quân. Đối mặt với quan binh đông gấp nhiều lần, quân Tống Giang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tống Giang mặc dù dẫn quân chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, nhưng trước thế bị bao vây, chiến thuyền bốc cháy, đường rút bị cắt đứt, đã phải đầu hàng, chấp nhận “chiêu an” (chấp nhận đầu hàng để được yên ổn).
Sau khi Tống Giang chấp nhận chiêu an, triều đình Bắc Tống đã phong chức cho tướng lĩnh Lương Sơn. Sách “Truyền thuyết Huyền Hà” có đoạn viết: “Tống Giang và 36 người về với nhà Tống, họ bị tách ra và điều đi các nơi”.
Các sử gia sau này đã chứng minh rằng Tống Giang không có ý đầu hàng thực sự, mà làm việc này là để bảo toàn sức mạnh. Vì vậy, khi thời cơ thích hợp, Tống Giang lại khởi nghĩa. Nhưng cuộc nổi dậy lần này bị thất bại rất nhanh chóng. Vào năm 1122, cuộc nổi dậy của Tống Giang bị đàn áp, Tống Giang và các tướng lĩnh bị giết.
Có hai người cùng tên Tống Giang?
Có một câu hỏi được đặt ra: Tống Giang phản loạn và Tống Giang chinh phạt Phương Lạp có phải là cùng một người không?
Việc Tống Giang có chinh phạt quân khởi nghĩa Phương Lạp hay không vẫn là vấn đề tranh luận của các nhà sử học, và hầu hết các nhà sử học đều cho rằng nhiều khả năng Tống Giang đã dẫn quân đánh Phương Lạp. Theo sách “Tam triều bắc minh hội biên” và một số sách khác, sau khi được chiêu an, Tống Giang đã theo Đồng Quán chinh phạt Phương Lạp. Tống Giang lúc đó là một vị tướng của triều đình nhà Tống, và các tướng cùng ông chiến đấu có Lưu Diên Khánh, Lưu Quang Thế…
Tuy nhiên, theo “Tống sử”, Tống Giang không được triều đình chiêu an mà thất bại buộc phải đầu hàng, rằng Trương Thúc Dạ đánh bại Tống Giang chỉ với 1.000 quân. Có thể thấy rằng với thế và lực như vậy, Tống Giang không thể được phái đi để chinh phạt Phương Lạp, theo nhận định của một số sử gia Trung Quốc. Hơn nữa, Tống Giang đầu hàng vào tháng 2 năm Huyền Hà thứ ba (1121). Lúc này, Phương Lạp đang thất thủ rồi đến tháng 4 thì bị bắt.
Một số tư liệu lịch sử lại nói rằng Hầu Mông, thái thú Bạc Châu lúc bấy giờ, đã đề nghị chiêu an Tống Giang để cử ông ta chinh phạt Phương Lạp, nhưng Tống Huy Tông không chấp nhận ý kiến này. Theo Văn bia Chiết công (tướng quân Chiết Khắc Tồn), được khai quật vào năm 1939, Chiết Khắc Tồn được lệnh chinh phạt Tống Giang sau khi ông ta đàn áp cuộc nổi dậy của Phương Lạp.
Một học giả Nhật Bản lại đưa ra giả thuyết về “hai Tống Giang”. Ông Miyazaki Ichisada, chuyên nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, nói rằng “Tống Giang bị bắt vào tháng 5 là giặc cỏ Tống Giang, nhưng tướng quân Tống Giang là người dập tắt cuộc nổi dậy Phương Lạp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 của năm 1121. Vì vậy, “Tống tặc Tống Giang” và “Tống Giang tướng quân chinh phạt Phương Lạp” là hai người hoàn toàn khác nhau.
Theo ghi chép trong “Tống sử”, Tống Giang sau khi bại trận đã đầu hàng quân Tống, nhưng ở thành phố Hải Châu lại có truyền thuyết cho rằng Tống Giang bị Trương Thúc Dạ giết chết và chôn ở núi Bạch Hổ.
Kỳ trước: Thủ lĩnh Tống Giang của Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy hử có thật không?
Nguyễn Xuân Thủy(Nguồn: Thám bí chí)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo