Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hòa bình thực sự sẽ chỉ đạt được ở Ukraine bằng cách khôi phục biên giới của nước này và Ukraine giành lại bán đảo Crimea.
“Hòa bình thực sự có nghĩa là khôi phục các đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine. Hòa bình thực sự có nghĩa là một quê hương an toàn cho những người bị nhắm mục tiêu ở vùng Crimea của Ukraine”, ông Kuleba nói trong một bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Biển Đen ở Bucharest hôm 13/4.
“Hòa bình thực sự có nghĩa là tàu chở ngũ cốc hiện diện ở Biển Đen, không phải tàu chiến. Thế giới duy trì luật pháp quốc tế, thay vì vũ lực là ý nghĩa của hòa bình thực sự. Đó là những gì chúng tôi đang đấu tranh để giành lấy”, ông Kuleba nói thêm.
Theo nhà ngoại giao Ukraine, nếu Nga vẫn tiếp tục kiểm soát Crimea, Moscow sẽ sử dụng bán đảo này “như một bệ phóng để mở chiến dịch quân sự tại Ukraine một lần nữa và kiểm soát hoàn toàn Biển Đen”.
“Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra. Đó là lý do chúng tôi sẽ giải phóng từng tấc đất của mình, cho đến người dân cuối cùng của chúng tôi. Đó cũng là lý do hôm nay chúng tôi kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đen để các quốc gia tuân thủ luật pháp một cách hòa bình một lần nữa có thể sử dụng vùng biển chung này để giao thương đi lại và sinh sống tự do mà không sợ tàu chiến Nga”, ông Kuleba nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Ukraine cũng nhắc lại tác động từ chiến dịch quân sự của Nga. Ông cho rằng chiến dịch này đã để lại “vết thương giữa lòng châu Âu” và đã đến lúc biến Biển Đen thành “vùng biển của NATO”.
Bình luận về ý tưởng phi quân sự hóa Biển Đen của Kiev đồng thời biến vùng biển thành “biển của NATO”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Biển Đen sẽ không bao giờ là “biển của NATO”, mà đây là vùng biển chung”. Ông Peskov nhấn mạnh, đối với tất cả các quốc gia ven biển, Biển Đen phải là vùng biển hợp tác, giao lưu và an toàn.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.
Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev bế tắc từ tháng 3 năm ngoái do bất đồng về các điều kiện tiên quyết. Nga nhiều lần nói rằng, chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận “thực tế lãnh thổ mới”, nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk. Trong khi đó, Kiev tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.
Điện Kremlin gần đây cho biết Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến kéo dài hơn một năm ở Ukraine và Moscow hiện không thấy có giải pháp ngoại giao nào.