Nhằm phát huy sản phẩm thế mạnh, mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 29/9, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Khai thác giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tại tọa đàm, đã có nhiều khuyến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy việc khai thác giá trị văn hoá trong việc phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại tọa đàm, đại diện một doanh nghiệp xã hội, có rất nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm hàng hóa cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội Craft Link chia sẻ, thời gian qua, Craft Link đã tiến hành các dự án ở khắp mọi miền đất nước với rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số để tập huấn và hỗ trợ cho họ tăng thêm nội lực, sử dụng chính những kỹ năng làm hàng thủ công truyền thống và đặc trưng văn hóa truyền thống đưa vào các sản phẩm mới để quảng bá ra thị trường, từ đó tăng thêm thu nhập.
Trong quá trình tiến hành hoạt động hỗ trợ các nhóm, Craft Link đã xây dựng từng kế hoạch riêng, phù hợp với mỗi nhóm dân tộc thiểu số. Bởi mỗi nhóm dân tộc thiểu số lại có bản sắc văn hóa truyền thống khác nhau, có ngôn ngữ và cách thể hiện nền văn hóa cũng khác nhau, đặc biệt, cách tiếp nhận các đợt tập huấn cũng khác nhau.
Mỗi tháng, Craft Link mời đại diện một nhóm dân tộc thiểu số ra Hà Nội tham gia trình diễn nghề thủ công truyền thống. Mỗi năm, Craft Link đều tổ chức hội chợ hàng thủ công truyền thống và mời các nhóm dân tộc thiểu số tham gia. Từ đó, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có cơ hội giao lưu trực tiếp với khách hàng. Bà con không chỉ giới thiệu được nền văn hóa truyền thống của chính họ mà còn có thêm thông tin về nhu cầu cũng như xu hướng của thị trường tiêu thụ.
“Qua quá trình hỗ trợ của Craft Link, các nhóm dân tộc thiểu số đã có thêm nhiều kiến thức mới, đồng thời củng cố được tất cả các kỹ năng nghề truyền thống của họ, qua đó giữ gìn được nền văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa ẩn chứa trong sản phẩm” – Bà Trần Tuyết Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Trần Tuyết Lan chia sẻ, điều khó nhất khi khai thác các sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc thiểu số là làm thế nào để kết hợp nhuần nhuyễn, đưa giá trị văn hóa truyền thống vào các sản phẩm mới. Phải chắt lọc những chi tiết, hoạ tiết, hoa văn nào là đặc trưng để đưa vào các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, sản phẩm mới cũng phải có tính năng, công năng sử dụng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, như vậy mới thể đứng vững trên thị trường.
Đồng thời, cũng phải nghiên cứu làm thế nào để khách hàng và khách du lịch nước ngoài khi nhìn vào sản phẩm có thể nhận ra được khía cạnh văn hóa đấy. Bà Trần Tuyết Lan nhận định, nhiệm vụ của những tổ chức như Craft Link phải làm thế nào để lan toả những giá trị văn hóa đặc trưng này rộng rãi, từ đó quay lại hỗ trợ được nhiều nhóm dân tộc thiểu số hơn nữa.
Khai thác hiệu quả giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm
Từ câu chuyện thực tế của Craft Link, bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc cho rằng, có 5 yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công trong việc khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đó là, nội lực của chủ chuỗi giá trị, bao gồm: trình độ học vấn, trải nghiệm thực tế, lòng khát khao, tự hào về cộng đồng và văn hóa tộc người; tiếp cận kỹ thuật; khai thác tri thức địa phương qua việc phát triển sản phẩm; sự kế nối từ chính sách qua chuyên gia hay là khoa học công nghệ; phát huy truyền thống văn hóa, được tiếp cận và sử dụng qua phát triển du lịch cộng đồng cũng như thông qua công tác truyền thông, marketing.
“Thông qua việc khai thác giá trị truyền thống, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường và một khi có được sự công nhận của thị trường, những sản phẩm đó sẽ góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. – Bà Bế Hồng Vân nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi đã biết chủ động lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, đặc sắc gắn với văn hóa riêng của dân tộc mình để đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo TS. Chu Xuân Giao, văn hóa vừa có thể là hình khối, vừa có thể là không định nghĩa được hình khối, và chúng ta không nên bằng lòng với những gì đang có. Vấn đề là phải định hướng được việc phải tồn, phát huy, làm giàu và đổi mới liên tục.
“Sáng tạo đổi mới ở đây không phải thấy người ta “vác mai” thì mình cũng đi “vác mai”, người ta đi bắt cá thì mình cũng đi bắt cá, tức là mình không phải theo phong trào, mà phải tìm được những hướng đi riêng. Đồng thời, bà con cũng cần xây dựng cho mình chiến lược phát triển lâu dài, kiên trì và cố gắng, tạo nên thương hiệu riêng, bền vững.” – TS. Chu Xuân Giao chia sẻ.
Đưa yếu tố văn hoá trở thành lợi thế của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm trước đây, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, chương trình phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, tạo được; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào,…
Đặc biệt, đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng – kinh doanh với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc khai thác giá trị của văn hoá các dân tộc chưa phát huy hết tiềm năng. Quy trình sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá chưa chuyển tải được hết những yếu tố văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương.
Để góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, bà Bế Hồng Vân đã đề xuất một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể, cần phải tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách.
Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công vai trò hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng dân tộc.
Để khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các dự án hỗ trợ của nhà nước phải đưa những yếu tố tri thức, những giá trị văn hóa truyền thống cũng như cố kết cộng đồng vào trong tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị.
Đặc biệt, chính sách phải lưu ý đến đội ngũ nghệ nhân tại địa phương vì đây là những nhân chứng sống truyền thụ và lưu giữ văn hóa địa phương đến muôn đời.
Đặc biệt, cần có sự hiệp lực và đồng lòng từ các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp đến các bà con dân tộc để đưa đưa yếu tố văn hóa thành lợi thế. Qua đó, đưa những nét văn hóa đặc sắc trong sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số lan tỏa hơn nữa.
Tạp chí Công thương