(Dân trí) – Những lần đối đầu với nhiệm vụ nguy hiểm, những người lính cứu hỏa luôn nghĩ làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, dù trên người mang đầy thương tích, đối mặt với tử thần.
Trong cái lạnh âm 7 độ C của Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo (43 tuổi) cứ ngỡ mình “thừa sống thiếu chết”, khi ngủ ở căn lều dựng tạm sau thảm họa động đất ở nước này.
Thiếu tá Đạo là một trong 5 chiến sĩ được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an TPHCM (PC07) cử đến Thổ Nhĩ Kỳ, làm nhiệm vụ quốc tế tìm kiếm người bị nạn, cứu nạn cứu hộ sau trận động đất.
Thời điểm nhận tin và chuẩn bị xuất quân chỉ vỏn vẹn 1 giờ nên người lính trẻ chỉ kịp chào tạm biệt gia đình qua điện thoại, khi đang trên đường ra sân bay.
Chưa kịp hoàn hồn trong thời tiết khắc nghiệt, cả đội đã di chuyển suốt 10 giờ dưới thời tiết tuyết rơi dày đặc, đường trơn trượt. “Cả đời tôi chưa từng đến nơi lạnh như thế”, anh nói.
3h30 sáng 11/2 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn công tác đến TP Adiyaman. Anh Đạo ăn vội chiếc bánh mì, rồi cùng đồng đội có mặt tại tòa nhà 3 tầng bị đổ sập.
Xác định tòa nhà này có 10 người bị vùi lấp, cả đội nhanh chóng sử dụng thiết bị chuyên dụng của Việt Nam mang sang và sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của nước bạn như máy xúc, máy đào để tiến hành tìm kiếm nạn nhân.
Suốt 11 giờ làm việc không ngừng nghỉ, đội dần tiếp cận được các nạn nhân. “Chúng tôi hét lớn hello (xin chào), how are you (bạn ổn không?) và may mắn khi nghe tiếng phản hồi của nạn nhân”, Thiếu tá Đạo nhớ lại.
Đào bới bằng máy, có lúc phải dùng đến cả tay, anh Đạo và đồng đội càng tiến sâu vào bên trong khi trên đầu là đống đổ nát đang chực chờ đổ xuống. Cuối cùng, những người lính chợt vỡ òa khi họ nắm được bàn tay của chàng trai 14 tuổi, thành công cứu cậu ra khỏi đống đổ nát ấy.
“Nhiều lúc xong nhiệm vụ, cứu được người, tôi ra ngồi nghỉ thì mới ngẫm lại không hiểu vì sao mình lại gan dạ làm công việc đó”, Thiếu tá Đạo suy tư.
Trên chuyến bay trở về đất mẹ sau 10 ngày công tác, anh Đạo khẽ ngó ra cửa sổ. Khoảnh khắc ấy, người lính mới cảm nhận được cái mặn đắng ở cuống họng. Bởi anh xúc động khi phải chứng kiến cảnh tang thương ấy, xúc động vì bản thân còn sống sót quay trở về.
Nghề không định sẵn ngày về
Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo (43 tuổi) đã có hơn 20 năm công tác tại Đội PCCC & CNCH khu vực 1, thuộc PC07.
Anh Đạo nói rằng, đây là một công việc nguy hiểm. Những lần xém bỏ mạng nhiều không đếm xuể, vị Thiếu tá cũng chỉ xem là mẩu chuyện vui để kể lại.
Kể về những lần chết “hụt”, người lính cứu hỏa bỗng phì cười vì cảm thấy vẫn còn sót chút may mắn. Điển hình, trong một lần thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại công ty TNHH Pouyuen (TPHCM), anh và đồng đội chỉ cần chậm vài giây thôi thì đã bị bờ tường đổ sập, đè lên người.
“Là người lính chữa cháy, tính chất công việc nguy hiểm là điều phải chấp nhận. Nghề này không thể nói trước, hứa hẹn hay định sẵn ngày về. Một khi đã làm nhiệm vụ thì không quan tâm tính mạng của mình mà xác định làm sao cứu được người và chống cháy lan”, anh nói.
Anh Đạo có 2 đứa con nhỏ. Mỗi khi ra khỏi nhà, anh luôn chào tạm biệt vợ và 2 con bằng những câu nói đơn giản. Lắm lúc phải bật dậy vào nửa đêm hoặc không thể nghe máy khi đang làm nhiệm vụ, vợ con anh rất lo lắng nhưng vô cùng thấu hiểu cho người chồng, người cha như anh.
Từ Thanh Hóa vào TPHCM lập nghiệp, 30 năm trước, anh Đạo chỉ nghĩ mình sẽ kiếm một công việc nào đó sống qua ngày. Nhưng sau thời gian làm công nhân ở công trường, anh xin đi lính nghĩa vụ vào năm 2003 rồi chính thức theo nghề PCCC sau 3 năm huấn luyện.
“Tôi không dám cho gia đình biết vì ai cũng lo lắng, khuyên nhủ. Mình chỉ gạt ngang thôi, bởi thấy công việc này ý nghĩa quá và người dân còn cần mình”, anh Đạo tâm sự.
Kể về lần tiếp nhận nhiệm vụ đầu tiên trong sự nghiệp, anh Nguyễn Hữu Đạo nhớ rằng mình đã không khỏi ám ảnh bởi tiếng kêu cứu thất thanh.
“Lửa bao trùm căn trọ, tiếng kêu cứu khắp nơi, người chạy ra chạy vào liên tục, tôi sợ và choáng váng lắm. Nhưng sau khi thấy đồng đội xông vào đám cháy, tôi lập tức lấy lại bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ như đã được huấn luyện. Lúc đó trong đầu chỉ mong cứu được thật nhiều người, không còn lo đến tính mạng của mình nữa”, anh Đạo nhớ lại.
Khi tiếng người dân kêu cứu càng lớn, anh và đồng đội càng nhận thức được bản thân phải thật bình tĩnh để làm chỗ dựa cho họ. Ở nhiệm vụ đầu tiên, anh Đạo nhớ mình đã thở phào nhẹ nhõm vì may mắn không có thương vong.
Trong những lần làm nhiệm vụ, anh vô cùng xúc động khi được người dân đem bánh mì, nước suối hay thậm chí có người còn nấu mì đến đãi cả đội. Uống một ngụm nước mát từ người dân, anh Đạo ví nó là “nước tiên” vì uống xong là khỏe hẳn.
“Những khoảnh khắc như vậy, tôi càng trân trọng và biết rõ ý nghĩa công việc của mình to lớn thế nào. Người dân họ công nhận điều đó nên không lí do nào tôi chùn bước được, tự nhủ phải cố gắng hơn nhiều để phục vụ cho nhân dân”, người lính cứu hỏa tâm đắc.
90 giây “vàng” và trăn trở của người “diệt” lửa
Đạp mạnh chân vào cửa nhà vệ sinh khi ngọn lửa đang bao trùm căn nhà cấp 4 ở TPHCM cách đây không lâu, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo sững người phát hiện có 4 thi thể tử vong trong tư thế ôm nhau. “Đau lòng nhất, đó chính là 3 người lớn đang cố bảo vệ một đứa trẻ”, Thiếu tá nghẹn ngào;
Trong 3 ngày liền sau nhiệm vụ đó, anh Đạo cứ trằn trọc mãi. Vì trong căn phòng đang mù mịt khói đó, vị trí cửa sổ dẫn qua nhà bên cạnh chỉ cách nhà vệ sinh hơn chục bước chân. Ấy vậy mà, nạn nhân đã không đủ bình tĩnh để chạy thoát.
Đó chỉ là một trong những lần thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ mà vị Thiếu tá nuối tiếc nhất. Bởi lẽ, anh luôn tự trách mình vì đã không cứu được những người dân vô tội.
“Những người lính như chúng tôi luôn trăn trở, làm sao để tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và nắm chắc kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, chạy thoát trong đám cháy. Cháy lớn hay nhỏ, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong bước đầu xử lý”, anh Đạo nói.
Trung tá Phạm Minh Tráng, Phó Đội trưởng đội PCCC&CNCH (PC07) chia sẻ, một ngày của người lính chữa cháy sẽ xoay quanh những buổi tập luyện có cường độ cao. Qua đó, họ sẽ trang bị được kỹ năng và tinh thần không sợ hãi.
Mỗi khi nhận tin báo cháy, người lính phải ra khỏi đơn vị trong 90 giây “vàng”. Trên đường đi, các chiến sĩ sẽ cùng xác định chất cháy, cơ sở cháy, có cháy lan hay người mắc kẹt hay không để triển khai ngay trên xe.
Trung tá Phạm Minh Tráng cũng chưa thôi nghẹn ngào khi nhắc đến vụ cháy tòa nhà ITC (Trung tâm thương mại Quốc tế) 15 năm trước khiến 60 người tử vong, 200 người bị thương.
Khói lửa mịt mù, cả tòa nhà chìm trong biển lửa. Những người dân vô tội hoảng loạn, nhảy từ tầng cao xuống là ký ức mà anh Tráng không thể nào quên.
Ngoài ra, anh Tráng kể rằng cũng từng ám ảnh vụ cháy cách đây 15 năm, về một người mẹ do quá bất lực trước con trai nghiện ma túy, trói con bằng dây xích rồi phóng hỏa tự thiêu.
“Khoảng thời gian tôi tham gia chữa cháy khi tuổi đời còn quá trẻ là lúc bản thân có nhiều trăn trở nhất. Lúc đó tôi rất sợ, nhưng cái sợ ở đây chính là chứng kiến quá nhiều người chết mà không có cách nào ngăn điều đó lại. Tôi chỉ mong rằng người dân được trang bị đủ kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn”, vị Trung tá bộc bạch.
Ngoài những trăn trở về nghề, các chiến sĩ chữa cháy cho hay dù công việc vất vả cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Đến cuối cùng, họ vẫn nguyện theo nghề đến khi nào “mắt còn sáng, tay chưa run”.
Thế nhưng, thỉnh thoảng cả đơn vị cùng nói đùa rồi phì cười: “Như lời bác Hồ đã dặn, chúng ta phải thất nghiệp thì người dân mới ấm no”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp; Hoàng Hướng; Reuters
Dantri.com.vn