ANTD.VN – Dù giá vàng thế giới lao dốc, lùi sâu khỏi ngưỡng 1.900 USD/ounce nhưng giá vàng SJC trong nước vẫn “án binh bất động”, duy chỉ có vàng nhẫn các doanh nghiệp là giảm khá mạnh.
Trong phiên giao dịch ngày 27/9 tại thị trường Mỹ (đêm qua, giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm mạnh tới 25,4 USD mỗi ounce, xuống chốt phiên tại 1.875 USD/ounce.
Như vậy, sau thời gian dài bám trụ trên ngưỡng 1.900 USD/ounce, giá vàng hôm nay đã “tuột tay” khi áp lực ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại không có phản ứng đáng kể với diễn biến này. Sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC không thay đổi so với chốt phiên hôm qua, ở mức 68,10 – 68,82 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, thương hiệu vàng quốc gia cũng chỉ được điều chỉnh giảm nhẹ 50 nghìn đồng mỗi lượng, về mức 68,00 – 68,80 triệu đồng/lượng; Phú Quý 68,00 – 68,75 triệu đồng/lượng…
Vàng nhẫn các thương hiệu ghi nhận mức giảm mạnh hơn, khoảng 300 nghìn đồng mỗi lượng. Theo đó, nhẫn SJC 99,99 niêm yết giá 56,40 – 57,35 triệu đồng/lượng; nhẫn PNJ 56,50 – 57,50 triệu đồng/lượng…
Giá vàng trong nước ít biến động, dù vàng thế giới lao dốc |
Thị trường vàng dường như đã mệt mỏi khi phải chống chọi với những trở ngại quá lớn từ sức mạnh dai dẳng của đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên 4,5%. Giá vàng, do đó đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Ba.
Theo một số nhà phân tích, đà giảm giá của vàng có thể đẩy giá xuống mức thấp nhất năm 2023 là 1.810 USD trên thị trường giao ngay khi đà giảm của nó đã diễn ra rất nhanh kể từ quyết định lãi suất của FOMC.
Đợt bán tháo đã tăng lên vào thứ Ba sau khi giá phá vỡ mức thấp nhất trong tháng 8 ở mức 1.885 USD. Mặc dù mức thấp nhất trong tháng 3 hiện có thể là mục tiêu nhưng một số chuyên gia nhận thấy một số ngưỡng kháng cự ban đầu khoảng 1.850 USD/ounce.
Đợt bán tháo vàng diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rằng họ dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ hạn chế trong tương lai gần ngay cả khi chu kỳ thắt chặt kết thúc. Lập trường mạnh mẽ của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã đẩy lợi suất trái phiếu lên mức cao nhất mới trong 16 năm và đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 11.
Ngoài ra, việc nền kinh tế châu Âu đang suy yếu cũng là một yếu tố quan trọng khiến chỉ số đô la Mỹ tăng trên 106 điểm, bởi vì nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng phục hồi hợp lý so với các nước khác.
Mặc dù vàng vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn, một số nhà phân tích vẫn duy trì triển vọng tăng giá dài hạn đối với kim loại quý, trừ khi giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.800 USD/ounce.