Ngày 1/10, Công an tỉnh Đồng Nai thông tin, sẽ mở rộng điều tra rõ trách nhiệm chủ xe Thành Bưởi và những người khác liên quan vụ tai nạn làm 5 người tử vong.
Theo Cơ quan điều tra, sau khi gây ra tai nạn, tài xế Hoàng Văn Tính đã đến Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông.
Tính khai nhận thời điểm lái xe gây ra tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi “Điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ”.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Tối 1/10, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết về nguyên tắc người nào có lỗi, gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định bồi thường do người làm công, học nghề gây ra, bồi thường do người của pháp nhân gây ra.
Vì vậy, trong trường hợp người làm công của nhà xe này gây tai nạn thì nhà xe phải có trách nhiệm bồi thường trước tiên, sau đó yêu cầu lái xe bồi hoàn lại sau.
Cũng theo luật sư Cường, đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi mở rộng điều tra, cơ quan chức năng có thể sẽ khởi tố thêm hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
“Đây là tình tiết rất đáng chú ý đối với vụ tai nạn giao thông này. Trường hợp người lái ô tô này đã bị tước giấy phép lái xe có thời hạn mà còn tiếp tục điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người lái xe khách.
Đồng thời tình tiết này cũng sẽ được mở rộng làm rõ xem ai điều động, phân công người này tiếp tục thực hiện công việc”, luật sư Cường nói.
Trường hợp người phân công, giao ô tô cho người này điều khiển mà biết rõ là người này đã bị tước giấy phép lái xe, không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện thì người giao xe trong tình huống này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
– Làm chết 2 người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
– Làm chết 3 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Pháp luật quy định, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe ô tô phải có giấy phép lái xe phù hợp với từng loại xe.
Trường hợp tài xế đã bị tước giấy phép lái xe tức là bị cấm điều khiển phương tiện trong thời gian tước giấy phép. Người nào đã bị tước giấy phép lái xe rồi mà còn vi phạm thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm pháp lý.
Trong vụ việc này nếu có người đã giao phương tiện cho người lái xe này điều khiển khi biết rõ người này đang bị tước giấy phép lái xe thì người giao phương tiện cũng bị xử lý hình sự theo khoản ba, Điều 264 với mức hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Theo luật sư Cường, vụ việc này sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là đối với các nhà xe.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc tuyển dụng, quản lý các lái xe được thực hiện như thế nào, sẽ làm rõ ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp cũng như của các lái xe để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Cường nói.
Bên cạnh đó, luật sư Cường cũng thông tin về mức xử lý có thể áp dụng đối với người lái xe gây tai nạn dẫn đến 5 người chết, 4 người bị thương.
Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người lái xe khách này đã không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, chạy quá tốc độ cho phép dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì việc xử lý hình sự người này là có căn cứ. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì người này sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 15 năm tù.
Theo luật sư, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài trách nhiệm hình sự có thể tới 15 năm tù thì người vi phạm trong tình huống này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân.
“Ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhiều hành khách thì còn có thiệt hại về tài sản. Người gây tai nạn, có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nạn nhân. Bởi vậy tài sản thiệt hại đến đâu thì sẽ bồi thường đến đó”, luật sư Cường nói.
Lương Ý