Ngày càng nhiều người Việt chọn du học Pháp nhờ nền giáo dục quốc tế hóa và cơ hội việc làm rộng mở. Cần biết gì về các mốc thời gian đăng ký tuyển sinh cũng như ứng tuyển học bổng, theo chuyên gia?
Chính sách thị thực dễ dàng với du học sinh
Đại sứ quán Pháp cùng Campus France Vietnam (Văn phòng chuyên trách du học Pháp tại Việt Nam) hôm 30.9 tổ chức Triển lãm giáo dục ĐH Pháp tại TP.HCM, với sự tham dự của 36 cơ sở giáo dục ĐH Pháp và Pháp-Việt. Tại đây, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, cho biết hiện có 5.000 du học sinh Việt đang học tập ở Pháp, với 1.600 tân sinh viên đến “kinh đô ánh sáng” mỗi năm.
“Theo các thống kê năm 2023, Pháp đứng thứ 6 trên thế giới và thứ 2 tại châu Âu về việc đón tiếp du học sinh Việt. Chọn đến Pháp, bạn sẽ mở thêm nhiều cơ hội việc làm hơn vì có tới 500 triệu người dùng tiếng Pháp đến năm 2050. Chưa kể, trong xu thế quốc tế hóa, các trường cũng mở những chương trình tiếng Anh từ hệ cử nhân đến tiến sĩ, và đây là cơ hội để các bạn có thể du học Pháp nếu chưa nói tiếng Pháp”, bà Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về chính sách thị thực du học của Pháp trong năm 2024, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser cho biết sẽ không có thay đổi so với năm trước. “Đối với lĩnh vực giáo dục, chúng tôi luôn tạo mọi thuận lợi và lúc nào cũng dành sự ưu ái cho sinh viên. Chỉ cần có hồ sơ đẹp và tốt, việc các bạn có được thị thực du học là điều dễ dàng”, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser chia sẻ.
Năm 2023 cũng là dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Nhân dịp này, chính phủ Pháp đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác nhau để lan tỏa hình ảnh đất nước và con người nơi đây. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu và hợp tác cùng các đơn vị khác nhau để có thể đưa ra những chương trình giáo dục hấp dẫn với học sinh, sinh viên Việt Nam”, bà Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM nhận định.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, chuyên viên du học Campus France Vietnam, lưu ý thêm về những mốc thời gian cần nhớ cho kỳ tuyển sinh năm 2024. Cụ thể, nếu muốn đăng ký hệ cử nhân năm 1 và kiến trúc quốc gia, hôm nay (1.10) hệ thống Études en France sẽ mở dự tuyển. Sinh viên bắt buộc phải thực hiện quy trình trên hệ thống này để xin cấp thị thực du học, với hạn chót nộp hồ sơ là ngày 15.12, và hạn chót phỏng vấn cùng Campus France Vietnam vào ngày 15.3.2024.
Đối với ứng viên dự tuyển vào các chương trình khác như BUT (bằng ĐH công nghệ), kỹ sư…, ngày mở dự tuyển và hạn chót phỏng vấn tương tự như trên, nhưng có điểm khác là hạn chót nộp hồ sơ sẽ kéo dài đến tháng 2.2024. “Tuy nhiên, lịch này có thể được điều chỉnh nên các bạn nhớ cập nhật thường xuyên với Campus France Vietnam để không lỡ mất cơ hội du học”, chị Nhung lưu ý.
Học bổng chính phủ có thay đổi gì?
Chị Phan Hoàng Kim Thanh, chuyên viên học bổng Campus France Vietnam, nói với phóng viên Báo Thanh Niên rằng năm nay, thời hạn ứng tuyển học bổng “France Excellence”, chương trình học bổng độc quyền của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, sẽ kết thúc sớm hơn mọi khi. Đến tháng 2, ứng viên sẽ nhận được kết quả học bổng, thay vì phải đợi đến tháng 4 như những năm trước đây.
“Điều này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người học Việt Nam, vì trước đây các bạn thường nhập nhằng giữa quy trình dự tuyển và đăng ký học bổng. Ngoài ra, đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc là các bạn tuy trúng học bổng nhưng lại trượt trường. Việc kết quả ra sớm hơn giúp các bạn có thêm ‘điểm sáng’ trong hồ sơ để thuyết phục trường, cũng như dành thời gian tập trung làm công tác dự tuyển”, chị Thanh lý giải.
Tuy không thể thông tin có bao nhiêu suất học bổng trong năm 2024 vì số lượng phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ Pháp nhưng theo chị Thanh, năm trước có tổng cộng 40 suất học bổng này dành cho hệ thạc sĩ và tiến sĩ.
Ngoài “France Excellence”, du học sinh Việt cũng có thể ứng tuyển một số loại học bổng danh giá và trao nhiều tài nguyên hơn như “Excellence Eiffel” của Bộ Ngoại giao Pháp (điểm mới năm nay là tăng thời hạn 36 tháng đối với ứng viên tiến sĩ lần đầu sang Pháp), hay “Erasmus+” của Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, còn nhiều loại học bổng đồng tài trợ cũng như một số học bổng từ các cơ sở giáo dục ĐH, bộ ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tại Pháp dành cho người học, theo chị Thanh.
Ông Thomas Nguyễn, Giám đốc điều hành Franco-Viet Edu (TP.HCM), cho biết thêm tất cả du học sinh Việt nếu trúng tuyển vào trường ĐH công lập ở Pháp đều được nhận “học bổng”. Bởi lẽ, phần lớn học phí trường công đã được chính phủ Pháp đài thọ nên sinh viên chỉ cần đóng một mức khiêm tốn khoảng 2.700-3.500 euro/năm (68-88 triệu đồng). Một điểm sáng khác là mới đây, chính phủ Pháp công bố sẽ tăng thêm ngân sách học bổng cho sinh viên Việt Nam vào năm 2024, lên mức 1,5 triệu euro.
“Khi đặt chân đến Pháp, chính phủ nước này sẽ đối xử với các bạn như công dân bản địa. Thế nên, du học sinh có thể làm đơn xin địa phương hay chính phủ hỗ trợ các khoản phí như bảo hiểm xã hội, tiền thuê nhà, vé tàu… nếu tài chính gặp khó khăn, và họ sẽ sẵn sàng nghiên cứu hồ sơ sau đó hỗ trợ cho bạn. Tuy nhiên, các bạn phải có bằng chứng minh bạch, rõ ràng, cũng như thể hiện được sự chăm chỉ trong học tập như đến trường thường xuyên”, chuyên gia du học Pháp cho hay.
Cũng theo ông Thomas Nguyễn, phong trào du học Pháp đang “trỗi dậy” trong hai năm gần đây. Từ một lựa chọn tình thế khi không thể đến Mỹ hoặc Anh, đến nay, người Việt đã chủ động tìm tòi, đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch du học Pháp bài bản. Nguyên nhân là ngày càng có nhiều thông tin về môi trường, giáo dục và chi phí tại Pháp, cũng như động thái quốc tế hóa nền giáo dục của chính phủ nước này, ông Thomas Nguyễn nhận định.
Thanhnien.vn