Các trường hợp triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật
Nghị định 60/2023/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/10/2023) quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm:
– Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất;
– Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.
Trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây:
+ Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục;
+ Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp;
+ Chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.
Đăng ký lưu hành thuốc gia công
Thông tư 16/2023/TT-BYT (có hiệu lực ngày 01/10/2023) quy định về đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Theo đó, đăng ký lưu hành thuốc gia công như sau:
– Thuốc gia công khi đăng ký lưu hành được phân loại như sau:
+ Thuốc gia công có cùng các nội dung so với thuốc đặt gia công, bao gồm: công thức bào chế thuốc; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu; tiêu chuẩn chất lượng thuốc thành phẩm; tên thương mại;
Trường hợp thuốc đặt gia công là thuốc đã được Bộ Y tế công bố biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu và thuốc gia công có thay đổi so với thuốc đặt gia công về ít nhất một trong các tiêu chí tại điểm này (không bao gồm thay đổi tên thương mại) hoặc các thay đổi khác liên quan đến chất lượng thuốc, các thay đổi này phải được phê duyệt bởi cơ quan quản lý dược nước sản xuất hoặc cơ quan quản lý quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư 08/2022/TT-BYT đã cấp phép lưu hành thuốc đó hoặc cơ sở đăng ký phải cung cấp dữ liệu chứng minh thuốc gia công tương đương về chất lượng so với thuốc đặt gia công.
+ Thuốc gia công khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 16.
– Đối với thuốc gia công có lộ trình gia công các công đoạn sản xuất tại Việt Nam, định kỳ hằng năm kể từ ngày được cấp giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký thuốc gia công hoặc cơ sở nhận gia công thuốc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải báo cáo tiến độ thực hiện gia công các công đoạn của quy trình sản xuất thuốc thành phẩm tại Việt Nam về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) theo Mẫu 04/TT Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 16.
– Hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư 08.
– Thời gian nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 08.
Biên lai điện tử thu tiền trong thi hành án dân sự
Thông tư 04/2023/TT-BTP (có hiệu lực ngày 01/10/2023) hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
Theo đó, biên lại điện tử thu tiền trong thi hành án dân sự như sau:
– Xây dựng biên lai điện tử
Nội dung trên biên lai điện tử được nhập đầy đủ thông tin theo mẫu dựa trên các thông tin mà người nộp tiền cung cấp, thông tin từ các cơ quan khác gửi đến cơ quan thi hành án dân sự có liên quan đến biên lai điện tử.
Việc lập biên lai điện tử do Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự được phân công thực hiện.
– Cung cấp, sử dụng biên lai điện tử
+ Đối tượng sử dụng biên lai điện tử
Đối tượng sử dụng biên lai điện tử bao gồm: Các cơ quan thi hành án dân sự là người sử dụng biên lai điện tử để thu tiền; các tổ chức, cá nhân là đối tượng phải nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thông tin biên lai điện tử để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
+ Hình thức cung cấp, sử dụng biên lai điện tử
Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp cho các tổ chức, cá nhân là người nộp tiền, người phải thi hành án mã tra cứu, thông tin địa chỉ truy cập để tra cứu biên lai điện tử.
Các cơ quan, tổ chức khác muốn sử dụng biên lai điện tử để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật thì gửi đề nghị bằng văn bản đến cơ quan thi hành án dân sự.
Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự in bản thể hiện của biên lai điện tử để làm cơ sở hạch toán kế toán, lưu chứng từ kế toán; Chấp hành viên in bản thể hiện của biên lai điện tử để lưu hồ sơ thi hành án.
+ Tra cứu biên lai điện tử
Biên lai điện tử trên nền tảng ứng dụng số được tra cứu theo mã tra cứu do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp.
Hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử
Thông tư 13/2023/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 15/10/2023) hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử.
Theo đó, định dạng hồ sơ thủ tục hành chính điện tử nộp lưu như sau:
– Đối với hồ sơ thủ tục hành chính điện tử được số hoá tại cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ hoặc được tiếp nhận trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023.
– Đối với hồ sơ thủ tục hành chính được tạo lập điện tử
+ Tài liệu hành chính: định dạng .PDF, phiên bản 1.4 trở lên; tài liệu do cơ quan, tổ chức ban hành bảo đảm thực hiện theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư; tài liệu của cá nhân, doanh nghiệp phải được ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
+ Tài liệu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
– Cấu trúc và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-BTTTT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
– Mã hồ sơ lưu trữ thủ tục hành chính điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
+ Mã định danh của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thủ tục hành chính.
+ Ngày, tháng, năm, tiếp nhận.
+ Số thứ tự hồ sơ tiếp nhận trong ngày.
– Cấu trúc mã định danh cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại Quyết định 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Điều chỉnh lệ phí đăng ký, cấp biển xe ôtô, xe máy
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 60/2023/TT-BTC ngày 7/9/2023 về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư điều chỉnh tăng mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông ở khu vực I (gồm thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
Cụ thể như sau:
– Xe ôtô (trừ xe ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống; rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời): mức thu lệ phí 500.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 150.000 – 500.000 đồng/lần/xe).
– Xe ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up): 20 triệu đồng/lần/xe.
– Xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời: 200.000 đồng/lần/xe (mức cũ từ 100.000-200.000 đồng/lần/xe).
– Đối với xe môtô: trị giá đến 15 triệu đồng: 1 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 500.000 nghìn đồng-1 triệu đồng/lần/xe).
– Xe môtô trị giá trên 15-40 triệu đồng: 2 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 1-2 triệu đồng/lần/xe).
– Xe môtô trị giá trên 40 triệu đồng: 4 triệu đồng/lần/xe (mức cũ từ 2-4 triệu đồng/lần/xe).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/10/2023.
Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tối đa là 100 triệu đồng
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.
Theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với mức vay như sau:
– Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
– Thời hạn vay = Tối đa 120 tháng.
– Lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Giáo viên dạy nghề có thể được hưởng lương đến 14,4 triệu đồng/tháng
Tháng 10 cũng ghi dấu thời điểm có hiệu lực của Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, từ ngày 15/10/2023, viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp được xếp lương như sau:
1. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có hệ số lương 6,20 đến 8,00.
2. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có hệ số lương 4,40 đến 6,78.
3. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có hệ số lương 2,34 đến 4,98.
4. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành có hệ số lương 2,10 đến 4,89.
5. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có hệ số lương 5,75 đến 7,55.
6. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính có hệ số lương 4,40 đến 6,78.
7. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có hệ số lương 2,34 đến 4,98.
8. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành có hệ số lương 2,10 đến 4,89.
9. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp có hệ số lương 1,86 đến 4,06.
Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng, giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có thể được hưởng lương đến 14,4 triệu đồng/tháng.
Tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế
Theo Thông tư số 59/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 16/10/2023, người nộp phí trong lĩnh vực y tế là tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thẩm định, gồm: thẩm định cấp tiếp nhận, nhập khẩu, xuất khẩu, xác nhận trong lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn trong gia dụng và y tế; thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế; thẩm định hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.
Tổ chức thu phí là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện các công việc thu phí và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc thu phí.
Từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể như sau: Mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D: tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ.
Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần…
Tuệ Minh