Đến bây giờ thì xe máy điện, ô tô điện đã dần quen thuộc với người dân VN. Không chỉ xe cá nhân mà những dịch vụ công cộng như xe buýt điện, taxi điện, gọi xe máy điện cũng nhanh chóng phủ khắp đường phố các đô thị lớn. Nhập cuộc sau nhưng VN đang tăng tốc trên hành trình giao thông xanh.
“Đặt taxi xanh nha mọi người. Nắng nôi thế này, đi taxi xanh cho khỏe” – chị Minh Hà (làm việc ở Q.3, TP.HCM) nói với đồng nghiệp khi mọi người chuẩn bị đặt xe đến một điểm ăn trưa ở Q.1. Lý giải rõ hơn cái sự “khỏe”, chị Hà bảo: “Xe mới sạch sẽ lắm, chạy êm, không có tiếng động cơ. Tài xế thì lịch sự, từ việc gọi điện đến lái xe. Dòng xe phổ thông hay xe cao cấp cũng đều như nhau. Lên xe các bác tài cũng sẽ hỏi mình nhiệt độ để như vậy đã ổn chưa, có cần điều chỉnh gì không. Phụ nữ được quan tâm là mê thôi!”.
Chất lượng phương tiện và thái độ của tài xế taxi Xanh SM là 2 yếu tố được đa số người dùng trên cả nước đánh giá cao nhất khi tham gia thị trường dịch vụ xe công cộng. Ngay sau khi ra mắt hồi tháng 4, trên khắp các diễn đàn ô tô, các hội nhóm taxi… liên tục đăng tải nhiều bài viết review về trải nghiệm sử dụng dịch vụ từ thương hiệu taxi điện đầu tiên ở VN của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Có người than ít xe, có người phàn nàn thời gian chờ đợi lâu (cũng vì ít xe) nhưng về độ sạch sẽ, thoải mái và dịch vụ chuyên nghiệp của tài xế thì luôn được chấm 4 – 5 sao.
“Nhà tôi ở Thủ Đức nên trước đã từng đi thử xe buýt điện của VinFast rồi. Đúng là xe điện, chạy êm ru, không có mùi, thiết kế rất thoáng và hiện đại. Điều tôi ấn tượng nhất là khi có người đi bộ qua đường, cả tài xế và phụ xe đều gật đầu đưa tay ra hiệu nhường đường, rất lịch sự và văn minh. Vì thế, khi có dịch vụ taxi điện, tôi cũng thử ngay. Lần đầu, tôi sử dụng dòng xe luxury VF8. Xe êm, cách âm tốt, rộng rãi, sang trọng. Tài xế đã thân thiện còn quan tâm khách hàng hơn cả… bạn trai. Vừa lên xe đã hỏi nhiệt độ ổn không, thích nghe nhạc gì, ngồi có thoải mái không… Xe còn có ‘mắt thần’ kiểm tra xem tài xế có nhìn đường không, lơ là bị ‘tuýt còi’ ngay nên càng yên tâm. Chuyển sang gọi taxi điện, đầu tiên là vì 10 điểm chất lượng, tiếp đến là bảo vệ môi trường. Đi ngoài đường khói bụi ngột ngạt quá rồi” – bài review chi tiết của chị Nguyễn Ammy Thúy trên nhóm “Cộng đồng người đi làm bằng xe buýt” nhận về hàng ngàn lượt like và hơn 135 bình luận đồng tình.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với các phương tiện giao thông sử dụng điện đã kích hoạt cho hàng loạt hãng gọi xe công nghệ tham gia “đường đua xanh”. Mở đầu là cái bắt tay giữa Gojek VN và Dat Bike, một trong những thương hiệu xe máy điện tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, thí điểm sử dụng xe máy điện phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn tại VN. Hình ảnh chiếc xe máy điện Dat Bike Weaver++ cực “ngầu” nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Nhưng vì không phải dịch vụ riêng nên có gọi được cuốc xe điện hay không phụ thuộc vào… hên xui.
Nhiều bạn trẻ còn hài hước chia sẻ vừa đặt xe, vừa “khấn” cho anh tài xế chạy xe điện để có được bức hình check-in cực “chất”. Tháng 9 mới đây, “kỳ lân công nghệ” Gojek tiếp tục công bố hợp tác với Selex Motors, triển khai thí điểm sử dụng xe máy điện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển tại VN. Tổng giám đốc Gojek VN – ông Sumit Rathor khẳng định, Gojek VN đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cam kết của Tập đoàn GoTo trong việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi phương tiện vận hành sang 100% xe điện vào năm 2030.
Không phải đơn vị đầu tiên gia nhập “đường đua xanh” nhưng hãng xe Be của Tập đoàn Be Group lại đang dẫn đầu về tốc độ. Cuộc hợp tác với GSM đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình hiện thực hóa tham vọng rút ngắn thời gian “phủ xanh” đường phố của cả 2 DN. Với quy mô hàng trăm ngàn tài xế cùng với nền tảng gần 10 triệu khách hàng được sử dụng rộng rãi trên toàn lãnh thổ VN, việc hợp tác sâu với Be Group đã giúp GSM tiến gần hơn tới mục tiêu phổ cập thói quen sử dụng phương tiện xanh đến hàng triệu người dùng Việt một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Xe điện Bebike
Kết quả khảo sát của Be Group cho thấy tổng số chuyến taxi điện ghi nhận kết quả tăng trưởng liên tục và chỉ sau gần nửa năm đã chiếm 6% tổng chuyến ô tô Be mỗi tháng (cao hơn mức 5% của một số nền tảng gọi xe công nghệ khác). “Thừa thắng xông lên”, Be cùng VinFast đã tiến thêm 1 bước, hỗ trợ các tài xế beBike (xe hai bánh) chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Một mũi tên trúng hai đích: Vừa phủ rộng hơn thói quen di chuyển bằng xe điện của hành khách, vừa tạo cơ hội cho các bác tài sở hữu và sử dụng dòng xe máy điện thông minh, thân thiện với môi trường.
Chưa tiết lộ chi tiết nhưng đại diện Grab VN khẳng định hãng gọi xe đang chiếm thị phần lớn nhất này chắc chắn không đứng ngoài xu hướng. Grab đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch gia nhập đường đua xanh, chuyển đổi phương tiện tại thị trường VN.
DN tiên phong, người dân ủng hộ, chính quyền địa phương trên cả nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách để thực hiện công cuộc chuyển đổi phương tiện xanh. Đi đầu là TP.HCM.
Tháng 1.2022, lần đầu tiên TP.HCM khởi động nghiên cứu kế hoạch kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện thông qua dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” do Chính phủ Đức tài trợ VN nhằm thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. Khi đó, khát vọng trở thành TP đầu tiên của VN phát triển giao thông điện của TP.HCM không mấy được quan tâm, thậm chí nhận về nhiều e ngại về tính khả thi.
Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau khi công bố kế hoạch, TP.HCM chính thức thí điểm tuyến xe buýt điện đầu tiên, mở đầu công cuộc đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Mới nhất, TP.HCM dự kiến sẽ ban hành đề án hỗ trợ người dân đổi xe máy điện vào quý 4 năm nay và triển khai thực hiện vào quý 1/2024, sau khi có được cơ sở pháp lý từ Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Trong đó, sẽ có những chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện mới là xe điện, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Chính sách được xây dựng theo từng mức độ: khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi.
Song song, Sở GTVT TP.HCM cũng đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực trong vùng nội đô. Khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại Mỹ Khánh sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ được gửi lại tại đây. Sau đó sẽ có xe điện trung chuyển công cộng vào tất cả các nơi. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước… sang xe điện.
Theo sau TP.HCM, thủ đô Hà Nội cũng đã lần lượt đưa loại hình xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG và xe đạp đô thị vào hoạt động. Kể từ tuyến buýt điện đầu tiên được chính thức đưa vào vận hành (tháng 12.2021), đến nay, Vinbus đã có 9 tuyến kết nối các khu vực đô thị Hà Nội với 153 phương tiện hoạt động. Tuyến thứ 10 đang được triển khai, kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trong 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt của Hà Nội có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Sở GTVT Hà Nội cũng đã xây dựng và báo cáo UBND TP về các cơ chế, chính sách và lộ trình phù hợp dần thay thế phương tiện xe buýt, mục tiêu từ năm 2050, tất cả xe buýt phải là xe xanh.
Đà Nẵng, Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng bắt đầu đi những bước đầu tiên trong chuyển đổi phương tiện xanh bằng việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp công cộng, kết hợp cùng mạng lưới xe buýt chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định, các quốc gia trên thế giới có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. TP.HCM chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu với nhiệt độ trung bình năm tăng 1,4%; tỷ lệ diện tích ngập thường xuyên năm 2009 là 54%, dự báo tới năm 2050 sẽ tăng lên 61%. Trong đó, các hoạt động giao thông vận tải (GTVT) đóng góp tới 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Mặt khác, Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì thế, giảm phát thải trong GTVT là một trong các giải pháp hàng đầu cần triển khai đầu tiên.
Sản xuất xe điện
Mặc dù vậy, ông Bùi Hòa An cũng thừa nhận, thách thức lớn nhất hiện nay là thói quen sử dụng xe máy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Để khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện, không chỉ cần những chính sách hỗ trợ mạnh mà còn phải phát triển thật nhanh mạng lưới giao thông công cộng sức chở lớn như metro, xe buýt nhanh… Đồng thời, mở rộng và đa dạng nhiều hình thức giao thông công cộng. Đây là cả một chương trình lớn, đòi hỏi kế hoạch đồng bộ và nguồn lực lớn.
GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể cưỡng lại được xu thế này. Ngay cả khi nếu chúng ta không quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, không màng tới những tác động tích cực về kinh tế, xã hội mà năng lượng xanh mang lại thì dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. Nghĩa là, bằng cách chủ động hay bị động, cuộc chuyển đổi phương tiện cũng sẽ là con đường tất yếu VN phải đi.
GS-TS Lê Anh Tuấn chỉ rõ: Ô tô, xe máy là phương tiện chính, đáp ứng tới 86,35% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM với tốc độ tăng trưởng trung bình năm của ô tô con là 6.56%/năm. Hiện, nhiên liệu sử dụng chính là xăng và diesel nên thay đổi là thách thức lớn, nhất là hạ tầng điện hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, TP có động lực lớn nhờ sự tham gia của một số công ty tư nhân như VinFast, MBI. Theo khảo sát, có 44% DN vận tải hành khách công cộng có nhu cầu/kế hoạch chuyển đổi sang xe điện và 13,2% người dân có nhu cầu mua xe điện, tập trung chủ yếu vào xe máy điện. Đồng thời, TP.HCM có tiềm năng điện hóa cao trong vận tải đường thủy.
“Phương tiện giao thông điện đã xâm nhập vào thị trường TP.HCM như một xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TP.HCM. Kế hoạch hành động cho phương tiện giao thông điện của TP.HCM sẽ là then chốt, đem lại một kinh nghiệm quan trọng để triển khai tại các TP khác trong tương lai” – GS-TS Lê Anh Tuấn khẳng định.