Thạc sĩ – bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Phòng khám tai, mũi, họng, mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, trả lời: Đau mắt đỏ xảy ra khi lớp màng trong suốt bên trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt) cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm, thường không nguy hiểm, không gây biến chứng về sau, có thể tự khỏi. Người bệnh cần phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm.
Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan và cần đến gặp chuyên gia về mắt để khám, xác định nguyên nhân, điều trị đúng và kịp thời. Tự ý xử lý tại nhà sai cách có thể gây các biến chứng như: Viêm loét giác mạc, viêm củng mạc, suy giảm thị lực thậm chí là mù lòa,…
Dấu hiệu đặc trưng đau mắt đỏ
Đỏ mắt: Mắt nổi gân đỏ nhiều ở mi mắt và lòng trắng mắt.
Ghèn mắt: Chất nhầy tiết ra có thể trắng đục, vàng, xanh quánh dính chặt lông mi mắt hoặc đọng khóe mắt.
Ngứa, đau mắt: Mắt cảm giác cộm, dị vật, nóng và rát.
Chảy nước mắt: Nhiều, có khi không kiểm soát được.
Nhạy cảm với ánh sáng: Gặp ánh sáng mắt cảm giác chói, khó nhìn, nheo mắt lại.
Có thể kèm theo một số biểu hiện như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch sau tai.
Thông thường, người bệnh vẫn có thể nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Tuy nhiên nếu bệnh chuyển nặng như mắt của người bệnh phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc, thị lực giảm,… thì hậu quả sẽ nặng hơn.
Vì vậy, khi các triệu chứng xuất hiện nhẹ, chúng ta có thể chủ động chăm sóc mắt, phòng bệnh lây lan cho cộng đồng theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng trong 24 giờ đầu. Cần đến cơ sở y tế ngay lập tức khi các triệu chứng bệnh diễn tiến nặng dần.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.