Tại dự thảo lần thứ 4, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu dự thảo luật được thông qua, không chỉ riêng lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe định kỳ (đã thực hiện) mà còn áp dụng với cả người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô cá nhân.
Với dự thảo quy định về nội dung này, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, chi phí xã hội tăng lên nếu áp quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe máy.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 45,5 triệu xe máy đang lưu hành. Nếu mỗi xe máy do một người lái xe điều khiển, số tiền chi phí giấy khám sức khỏe mỗi lần cho tất cả đối tượng này thấp nhất có thể lên đến 9,1 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện quy định khám sức khỏe cho lái xe và một số ngành nghề được nêu rõ tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
Trong đó, thông tư đã quy định tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE gồm quy định tiêu chuẩn về tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, cơ – xương – khớp, sử dụng thuốc, chất có cồn và các chất hướng thần. Theo lãnh đạo này, hiện chưa có quy định khám định kỳ đối với xe máy.
Bàn đến tính khả thi của việc khám sức khỏe định kỳ đối với xe máy, chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, quy định khám sức khỏe định kỳ hiện mới chỉ áp dụng đối với những lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Đối với người lái xe mô tô, giấy khám sức khỏe là điều kiện khi thi lấy bằng lái. Quy định này cũng áp dụng tương tự với người thi bằng lái xe ô tô. Khi bằng lái ô tô hết thời hạn, người dân có nhu cầu đổi thì trong hồ sơ phải có giấy khám sức khỏe.
Cho rằng việc quy định khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lái xe giúp đảm bảo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đủ sức khỏe, góp phần bảo đảm TTATGT là cần thiết, song ông Cường nhìn nhận sẽ khó thực thi trong thực tế.
Bởi, giống như các nước trên thế giới, hiện nay, tại Việt Nam cũng không quy định thời hạn bao lâu phải khám lại sức khỏe. Do đó, nếu quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ với người lái xe máy sẽ tạo ra độ vênh giữa các quy định.
“Trường hợp bắt buộc phải thực hiện, cần tính toán cách triển khai thế nào, bao lâu thì khám một lần, khám xong đưa kết quả về đâu, sử dụng kết quả đó nhằm mục đích gì. Dù khám sức khỏe là chuyện bình thường nhưng khám sức khỏe định kỳ vì mục tiêu lái xe máy, tôi nghĩ về ý nghĩa thì không sai nhưng khả năng thực thi sẽ rất khó.
Đối với người lái xe kinh doanh vận tải và xe tải, xe khách thì quy định khám sức khỏe định kỳ là cần thiết, vì sức khoẻ của họ liên quan đến nhiều tính mạng, tài sản người khác.
Còn đối với những người lái xe bình thường, hoặc sử dụng xe nhưng phương tiện giao thông nếu áp quy định này thì làm sao giám sát?. Khả năng kiểm soát cả vài triệu lái xe ô tô đã lớn, bây giờ nếu cứ mỗi một đầu xe máy là một người lái, cả nước đến mấy chục triệu người điều khiển xe máy thì khó lắm. Do đó, tôi cho rằng tính thực thi không cao”, ông Cường bày tỏ.
Theo chuyên gia, đề xuất này khám sức khỏe định kỳ người lái xe mô tô, xe gắn máy chỉ nên khuyến cáo thay vì đưa vào Luật mang tính bắt buộc.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, quy định này nếu có sẽ khó khả thi. Với số lượng lớn xe máy hiện nay, việc thực hiện sẽ như thế nào, 3 tháng, 6 tháng hay một năm và cơ quan, đơn vị nào sẽ thực hiện, giám sát?
Ông Thủy lo ngại có thể tái diễn tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe nếu dự thảo được thông qua. Điều này dẫn tới việc thu thập dữ liệu sức khỏe người lái xe không chính xác, gây tốn kém thêm chi phí cho người dân, xã hội.
Từ đó, ông Thủy cho rằng, chỉ nên giữ quy định như hiện nay và bổ sung yêu cầu tài xế xe máy phải đảm bảo sức khỏe của mình theo đúng yêu cầu của ngành y tế. Trường hợp để xảy ra tai nạn, nếu do lỗi về sức khỏe không đảm bảo thì người đó phải chịu trách nhiệm.