Góp tiền quỹ phụ huynh để lo trung thu… đủ đầy?
Để tổ chức ngày hội trăng rằm, phụ huynh các lớp tại một trường tiểu học cùng nhau góp quỹ. Như bao sự kiện nhỏ khác, mỗi người chỉ góp… một ít, kiểu “góp gió thành bão”.
Lý do của việc quyên góp là… lo cho ngày hội của các con đầy đủ, chu đáo. Nếu không có thêm sự đóng góp, nhà trường chỉ có thể tổ chức chương trình trong điều kiện mà nhà trường có được.
Trên thực tế, trong nhiều đợt quyên góp, yêu cầu xuất phát từ đề nghị của phụ huynh chứ không thông qua bất kỳ cuộc vận động nào của trường. Cha mẹ sợ các con cực, sợ các con thiếu thốn, sợ các con có điều kiện học tập không tốt… là lý do của nhiều cuộc quyên góp như thế. “Lớp mình nên góp tiền để tự lắp đặt máy điều hòa cho phòng học của các con” là một trong những đề nghị như thế.
Một phần, điều đó thể hiện thái độ quan tâm con trẻ của cha mẹ. Ngược lại, ít có phụ huynh nhận biết rằng, sự chăm lo quá đà có thể khiến con trẻ không nhận ra những nỗi khó khăn, nhọc nhằn của ba mẹ, của nhà trường và xã hội. Trẻ lớn lên trong sự đủ đầy sẽ quen dần với cách sống thụ hưởng, thiếu động lực phấn đấu và thậm chí không dễ để nhận ra giá trị của cải vật chất. Lâu dài, điều này có thể là một phần nguyên nhân hình thành nên lối sống thụ hưởng của một phần giới trẻ như những gì xã hội đang chứng kiến.
Một nghiên cứu thực hiện tại Trường ĐH Việt-Nhật khoảng 3 năm trước kết luận, khoảng 14% người trẻ lựa chọn lối sống tiêu xài thoải mái cho các nhu cầu cá nhân, không lường tính dự phòng. Nghiên cứu nhận định, kết quả phần nào biểu lộ xu hướng lối sống tiêu dùng thực dụng, ưu tiên nhu cầu cá nhân và đặc biệt là có thể “mua sắm bất cứ thứ gì, dù không thật sự cần thiết”.
Thực chất, cơ sở vật chất và điều kiện cơ bản cho hoạt động giáo dục tại hầu hết các trường học công lập (nhất là ở các quận của TP.HCM) đều được đảm bảo ở mức cần thiết. Nếu phụ huynh không đóng góp và nhà trường tiến hành mọi hoạt động trong khả năng cho phép thì có ổn không? Nếu vẫn ổn thì điều này đồng nghĩa việc góp thêm “có cũng được mà không cũng được”. Quan trọng là, việc đó sẽ chẳng cần nếu phụ huynh thấy rằng, hưởng thụ đủ đầy lâu ngày có thể hình thành lối sống không tốt cho trẻ sau này.
“Đa số” có thay cho “tuyệt đối”?
Một đề nghị quyên góp của phụ huynh thường được triển khai theo nguyên tắc đồng thuận. Hay nói cách khác, điều đó cho thấy… sự tự nguyện đóng góp của cha mẹ.
Nhưng nếu phân tích kỹ, đó chỉ là lập luận có chút ngụy biện. Trong gần như tất cả quyết định, bắt đầu từ một đề xuất đơn lẻ, phụ huynh được hỏi ý kiến và được… biểu quyết.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng thường được xác định “đa số đồng ý”. Một số phụ huynh không đồng ý, nhưng vẫn phải thực hiện vì quyết định chung của… đa số.
Có nhiều lý do để nguyên tắc biểu quyết theo đa số xuất hiện và tồn tại phổ biến, thậm chí thay thế cho nguyên tắc nhất trí tuyệt đối. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, biểu quyết đa số bị lạm dụng cho các tình huống đòi hỏi có sự đồng thuận tuyệt đối.
Nhằm minh chứng cho sự tự nguyện, quyết định quyên góp quỹ của phụ huynh học sinh cũng cần phải được thông qua bằng nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Nhà trường vì vậy cần có những định hướng rõ ràng và khắc khe trong mỗi đợt huy động. Chỉ là những đóng góp bổ sung bên cạnh khoản đầu tư của nhà nước, phương án được lựa chọn phải là một phương án không có bất kỳ sự phản đối nào. Nhà trường cần phải đảm bảo nguyên tắc không bất kỳ ai bị buộc hay bị ép phải tham gia đóng góp hay thực hiện một công việc mà lựa chọn đó chỉ là… tự nguyện chứ không phải nghĩa vụ.
Suy rộng ra, trong bối cảnh xã hội hóa học tập cần được mở rộng, để phương án nhà nước và nhân dân cũng làm, cùng đóng góp cho sự phát triển của giáo dục một cách có hiệu quả, sự huy động nguồn lực bên ngoài ngân sách cũng cần phải bảo đảm nguyên tắc đó. Để tránh lạm thu hay lợi dụng hình thức quyên góp, huy động kiểu “tự nguyện”, không chỉ mỗi trường mà là cơ quan chủ quản cũng cần có những chỉ đạo chung. Xa hơn nữa, các quy định chung về phát triển giáo dục cũng phải ghi nhận nguyên tắc này nhằm bảo đảm sự đồng thuận chung của xã hội.