Các cầu thủ trẻ chơi dưới kỳ vọng
Sau hai kỳ Á vận hội thành công khi lần lượt lọt vào bán kết (2014) và tứ kết (2018), đội tuyển nữ Việt Nam đã bị loại ở vòng bảng ASIAD 19, dù lọt vào bảng đấu được đánh giá là vừa sức. Đáng nói hơn, các học trò của HLV Mai Đức Chung thất bại ở ASIAD, dù vừa được tích lũy kinh nghiệm, có thêm bài học ở sân chơi World Cup.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trận đấu không thành công của Tuyết Dung cùng đồng đội. HLV Mai Đức Chung lý giải, sự thiếu vắng một số trụ cột như Chương Thị Kiều, Huỳnh Như đã không được khỏa lấp thỏa đáng.
Trên hàng công, Nguyễn Thị Thúy Hằng chưa thể trở thành “trạm trung chuyển” để phát triển lối chơi thuần thục như vai trò Huỳnh Như từng thể hiện. Không phải ngẫu nhiên, HLV Mai Đức Chung muốn chờ Huỳnh Như đến phút cuối. Chân sút sinh năm 1991 là mắt xích quan trọng trong lối chơi nhờ khả năng săn bàn và kiến tạo lối chơi.
Không có Huỳnh Như, đội tuyển nữ Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn hệ thống tấn công. Chấn thương trước “giờ G” của Vũ Thị Hoa cũng khiến HLV Mai Đức Chung khuyết thêm một lựa chọn tốt. Xuyên suốt giải đấu, ông Chung chỉ có 2 chân sút gồm Hải Yến và Thúy Hằng, khiến hàng công suy yếu so với giai đoạn đá World Cup.
Tuy nhiên, yếu tố chính khiến đội tuyển nữ Việt Nam gặp vấn đề, nằm ở cảm hứng chơi bóng suy giảm sau quá trình hội quân tập luyện và thi đấu quá dài. Các cầu thủ nữ Việt Nam đã hội quân từ tháng 4 để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Paris 2024. 6 tháng qua, đội tuyển nữ Việt Nam tập luyện, tập huấn, giao hữu, thi đấu rồi bắt đầu vòng lặp cũ.
Phong độ của cầu thủ cũng như đội bóng luôn có chu kỳ, có giai đoạn ổn định, bùng nổ, nhưng sẽ có giai đoạn sa sút, đặc biệt khi tập thể đấy thi đấu liên tục trong khoảng thời gian dài.
Ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam đã tính toán để điểm rơi phong độ cầu thủ nằm ở SEA Games và World Cup 2023. Sau giải đấu ở Úc và New Zealand, HLV Mai Đức Chung đã chuẩn bị cho “quãng trầm” phong độ của các trụ cột khi triệu tập hàng loạt cầu thủ trẻ, trong đó có Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Lan Anh, Trần Thị Duyên hay Trúc Hương để sẵn sàng bù đắp cho sự đi xuống (nếu có) của lứa đàn chị.
Dù vậy, các cầu thủ trẻ chơi dưới kỳ vọng hầu như không chứng minh được năng lực, dẫn đến một lần nữa đội tuyển nữ Việt Nam phải đá dàn trải một đội hình xuyên suốt 3 trận.
Trước những đối thủ yếu như Nepal hay Bangladesh, đội tuyển nữ Việt Nam thắng dễ. Song, trận đấu với Nhật Bản đã phô bày mọi vấn đề của đội nữ. Lực lượng mỏng, không có nhiều phương án thay thế cùng quá trình trẻ hóa diễn ra tương đối chậm như thừa nhận của HLV Mai Đức Chung,… mới là nguyên nhân cốt lõi, đẩy đội tuyển nữ Việt Nam đến thế khó.
Hành trình phía trước
Trước thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam, một sự kiện nữa của bóng đá nữ đã xuất hiện, dù ít gây chú ý hơn nhưng cũng rất đáng lưu tâm với những người làm bóng đá nữ. Đó là thất bại của U.17 nữ Việt Nam ở vòng loại châu Á. Có ưu thế sân nhà cùng quyền tự quyết, song U.17 nữ Việt Nam thua U.17 nữ Philippines và hụt tấm vé đến vòng chung kết.
Phần lớn nhân sự của U.17 nữ Việt Nam đến từ khoảng 3, 4 trung tâm đào tạo bóng đá nữ, như Hà Nội, Hà Nam, Than Khoáng sản Việt Nam và TP.HCM. Đội U.17 nữ, với những tài năng trẻ tốt nhất được chọn lọc, sẽ được huấn luyện tập trung và thi đấu ở các giải cụ thể.
Đó cũng là cách vận hành của đội tuyển nữ Việt Nam trong những năm qua. Dấu ấn của giải vô địch quốc gia nữ, dù không nhỏ, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục. Do có quá ít địa phương tham gia làm bóng đá nữ, nên về cơ bản, công tác đào tạo trẻ cũng như “đánh bạc”, phụ thuộc vào may rủi hơn là sự ưu việt của hệ thống bóng đá.
Minh chứng là sau thành công của lứa Huỳnh Như, Tuyết Dung, Bích Thùy, Kim Thanh… đội tuyển nữ Việt Nam phải chờ tới 7 năm sau mới có một lớp cầu thủ tốt như Hải Linh, Thanh Nhã, Thu Thương, Vũ Thị Hoa. Khi lứa đàn chị bước qua đỉnh cao, lứa đàn em chưa kịp thay thế.
Ngoài ra, khi cầu thủ nữ chỉ đá tuyển, mà không có trận đấu nào ở cấp độ CLB, bóng đá nữ Việt Nam chỉ được chăm chút trên phần ngọn. Giải vô địch quốc gia nữ chỉ còn 3 tháng cuối năm để đá hai lượt và kết thúc cho đúng quy trình.
Cựu trưởng đoàn đội nữ, ông Dương Vũ Lâm khẳng định bóng đá nữ châu Á đang phát triển nhanh. Sự vươn lên của Philippines, Uzbekistan, Đài Loan hay sự trở lại của CHDCND Triều Tiên… sẽ tạo ra thế cục đua tranh rất khó lường.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã tiến bộ nhanh, nhưng vẫn cần học hỏi từ những thất bại hôm nay để nhìn nhận lại thực tế năng lực. Trước mắt thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ là vòng loại Olympic Paris 2024 vào tháng 11, nơi Việt Nam sẽ tái ngộ Nhật Bản.