PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương bày tỏ quan điểm về việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong văn học, nghệ thuật:
“Nếu cứ logic có nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh ưu tú thì rồi thì chắc cũng phải có nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú, rồi kiến trúc sư nhân dân, kiến trúc sư ưu tú, họa sỹ nhân dân, họa sỹ ưu tú…
Ý kiến của tôi xin không dám “đụng đến”, càng không dám xúc phạm các NSND, NSƯT đích thực đã được phong tặng và sẽ được phong tặng trong những năm tới.
Tôi chỉ bàn về những lĩnh vực, những người đang sa đà vào danh hiệu hão. Chúng ta có đến 10 loại hình văn học, nghệ thuật. Và cứ theo cái đà ấy, nhiều lĩnh vực khác (là nói đến lĩnh vực sáng tạo) cũng đề nghị (thậm chí là đòi) phải có cho họ nhưng danh hiệu như thế. Có mà loạn!”.
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nói thêm: “Danh hiệu nghệ sĩ, tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đang “lạm phát” ít nhiều, đang có những tiêu cực của căn bệnh thành tích. Muốn đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, phải cố mà tham gia các cuộc thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Rồi thì chạy cửa sau, cửa trước để “kiếm” lấy cái giải thưởng, cái huy chương. Mất cả đống tiền đấy.
Anh em nói với tôi: “lấy vàng thật đi đổi vàng giả”! Làm như thế là làm hư các ban giám khảo – nhũng người “cầm cân nảy mực”. Nhưng rồi vẫn phải làm. Không làm thì không có danh hiệu, rồi chậm lên lương, rồi mức cát-sê cũng dựa vào NSND, NSƯT và nghệ sĩ thường mà trả”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, những người có tài năng, tâm huyết, có nhiều cống hiến đích thực, to lớn, họ lại không đòi hỏi gì: “Tác phẩm của họ, tên tuổi của họ là chân giá trị, là giá trị lâu bền. Nhưng cuộc sống vốn nhiều phức tạp, nhiều uẩn khúc. Có không ít người, có thể có tài năng một chút, nhưng lại muốn khoác lên người mình một cái áo rộng lớn, lòe loẹt, kệch cỡm. Mà “chiếc áo thì không làm nên thầy tu!”. Nhiều hệ giá trị của chúng ta đang bị đảo lộn, đang bị xô đẩy làm nghiêng lệch.
Nghị quyết ĐH XIII của Đảng xác định, chúng ta phải tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam gắn với gia đình Việt Nam. Nếu muốn thực hiện định hướng này của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải chấn chỉnh lại nhiều thứ, nhiều điều, trong đó có các danh hiệu. Chứ nếu ngành nào cũng đòi tôi cũng nhân dân, tôi cũng ưu tú thì sẽ “hòa cả làng”, “vui cả làng” nhưng rồi thì “lụt lút cả làng”.
Mà thực ra cái gì ít mà tốt thì quý, nhiều quá lại thành bình thường. Tới lúc gặp ai cũng là NSND, NSƯT cả thì người ta sẽ cảm thấy danh hiệu này không còn mấy ý nghĩa nữa.
Một nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, biên kịch, đạo diễn.. đôi khi chỉ cần một tác phẩm thật xuất sắc đã nổi tiếng, đã để đời. Sức sống của một tác phẩm văn học nghệ thuật không nằm ở “danh hiệu” của tác giả gắn với nó, mà do nó đã đi vào lòng người, lay động con tim, khối óc, giục giã hành động, tạo nên sức sống lâu bền, mãi mãi đi cùng năm tháng.
Khi sáng tác, cảm xúc của họ gặp được tình cảm chung của nhân dân, nói lên khát vọng của cả dân tộc, của cả thời đại thì nó sẽ sống mãi, quý giá mãi. Đừng để lạm phát danh hiệu, lạm phát và đảo lộn các hệ giá trị.
Đất nước còn nhiều gian khó, nhân dân nhiều nơi còn thiếu cơm ăn áo mặc mà một năm có tới mấy chục cuộc thi hoa hậu. Cái đẹp cao cả, trong sáng luôn mê đắm con người nhưng cái đẹp phù hoa, xa xỉ thì chỉ là trò chơi phút chốc. Đây đó, người này, người kia đã “trăm nghìn đổ một trận cười như không” đấy thôi”.
Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN vừa gửi văn bản cho Bộ VH-TT-DL. Trong văn bản này, Hội đề xuất đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh vào đối tượng được xét danh hiệu NSND, NSƯT.
Trong khi đó, Hội Nhà văn VN có quan điểm, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn VN đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.
My Anh