Sáng ngày 28/9/2023, tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (VNU-UET) phối hợp với Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) – Thành viên của SEMI toàn cầu, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức diễn đàn “SEMI SEA TalentCONNECT”.
Diễn đàn có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo Hiệp hội Vô tuyển – Điện tử Việt Nam, Lãnh đạo SEMI SEA, ĐHQGHN cùng hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ các công ty trong lĩnh vực bán dẫn, sinh viên Trường ĐH Công nghệ và sinh viên đang theo học ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn của các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội.
Tiềm năng ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam
Công nghiệp bán dẫn và vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong 8 tháng 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam là vô cùng lớn.
Thực tiễn tại Việt Nam đã chứng minh, ngành thiết kế và chế tạo vi mạch đang trở thành ngành công nghệ thực sự hấp dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới, như: Samsung, Amkor Technology Inc, Hana Micron (Hàn quốc); Intel, Synopsys, Qorvo (Mỹ); Renesas Electronics (Nhật Bản); USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc)…
Tuy nhiện, hiện nay Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Đây là thông tin của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Bộ Thông tin và Truyền thông.
GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ cho biết, bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hóa học, vật liệu, chế tạo, thiết kế điện tử, thiết kế số, khoa học máy tính. Trên thế giới không có một nước nào làm chủ được công nghệ bán dẫn của riêng nước họ. Giáo sự cho rằng trong khoảng 2 đến 5 năm tới Việt Nam sẽ nhen nhóm hình thành, trở thành mắt xích quan trọng về bán dẫn trên toàn cầu.
GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ phát biểu chào mừng tại diễn đàn
Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,12% từ năm 2022 đến năm 2027.
Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển
Diễn đàn “SEMI SEA TalentCONNECT” không chỉ là một cơ hội để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, mà còn là động lực để các sinh viên và những người trẻ tuổi tìm hiểu về vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong cuộc cách mạng số hóa hiện nay và truyền cảm hứng cho họ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.
SEMI SEA và Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và tạo ra thế hệ tài năng mới cho tương lai.
Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn
Quán triệt văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, ĐHQGHN đã giao cho trường Đại học Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/Chip bán dẫn từ rất sớm. Trường ĐH Công nghệ với đội ngũ cán bộ gồm nhiều giảng viên, chuyên gia và các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy là một trong những đơn vị thành viên chủ chốt tham gia tích cực vào các dự án thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn thuộc ĐHQGHN. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã và đang từng bước triển khai nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đào tạo ra các thế hệ cử nhân và kỹ sư mới của trường có trình độ và kỹ năng chuyên môn tốt để có thể tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường lao động thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn đầy tiềm năng này.
Trong sản xuất linh kiện bán dẫn và vi mạch, công đoạn thiết kế có vai trò quyết định và chiếm tới hơn một nửa giá trị trong tổng số giá trị của chuỗi sản xuất chất bán dẫn. Công đoạn này là thế mạnh và là tiền đề để các kỹ sư của Việt Nam có thể tham gia. Bởi vậy, để giúp cho các kỹ sư của Việt Nam nói chung và các sinh viên của Trường ĐH Công nghệ nói riêng có thể tham gia tốt vào công đoạn này, Nhà trường đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ. Trong đó có các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử… Các chương trình này của Nhà trường đã được đưa vào giảng dạy trong nhiều năm qua, góp phần đào tạo hàng nghìn nhân lực chất lượng cao có trình độ từ cử nhân và kỹ sư cho tới thạc sĩ, tiến sĩ có khả năng tham gia vào các công đoạn khác nhau của nền công nghiệp thiết kế vi mạch.
Một số hình ảnh về sản phẩm và Phòng thí nghiệm của Nhà trường về thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn
Phòng thí nghiệm chế tạo và đo kiểm vật liệu và linh kiện bán dẫn
Chip vi lỏng xét nghiệm bệnh
GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐHCN giới thiệu các sản phẩm chip bán dẫn của Nhà trường tại Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn của ĐHQGHN tháng 4/2023
Cùng với các chương trình đào tạo có liên quan, các hướng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip và công nghệ bán dẫn cũng đã được Nhà trường triển khai và bước đầu đã có những kết quả nhất định, thể hiện tiềm năng phát triển của nhà trường. Nhà trường đã có 04 nhóm nghiên cứu và 04 phòng thí nghiệm đang triển khai các hướng nghiên cứu về chế tạo linh kiện bán dẫn, thiết kế, chế tạo các linh kiện, hệ thống cơ điện tử tiên tiến hay nghiên cứu vật liệu và linh kiện Micro-nano, thiết kế và ứng dụng vi mạch điện tử, …
Với cơ sở vật chất được tăng cường tích lũy qua nhiều năm qua kết hợp đội ngũ mạnh gồm nhiều các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn giỏi đã giúp trường ĐH Công nghệ triển khai nhiều đề tài KHCN với các sản phẩm khoa học và sản phẩm sở hữu trí tuệ liên quan đến thiết kế, chế tạo chip/vi mạch bán dẫn có giá trị khoa học và ứng dụng thực tiễn cao. Thống kê hàng năm cho thấy số lượng các công trình khoa học là các bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, các sáng chế và giải pháp hữu ích của nhà trường lên tới hơn 200 bài báo. Trong đó, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học liên quan tới lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Thực tế trong những năm qua, công tác sinh viên nghiên cứu khoa học theo hướng liên quan tới công nghệ thiết kế, chế tạo và ứng dụng vi mạch cũng là một trong những ưu tiên quan trọng của Nhà trường. Hàng năm, sinh viên của trường ĐHCN được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia vào các sân chơi sáng tạo do nhà trường phối hợp với doanh nghiệp trong nước tổ chức như: IoT challenge (do ĐHCN và FPT Software phối hợp tổ chức, sinh viên trường Đại học Công nghệ đạt giải nhất các năm 2022, 2023), sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, sinh viên nghiên cứu khoa học cấp ĐHQG… Bên cạnh đó, các cuộc thi và giao lưu với sinh viên quốc tế như: LSI design contest tổ chức thường niên tại Nhật Bản (các nhóm SV nghiên cứu của Nhà nhiều lần đoạt giải thưởng này, trong đó có một lần đoạt Giải Nhất); Synopsys ARC design contest (tại Đài Loan); SEACAS Hackathon (Indonesia); Chipathon 2023 (Malaysia)… cũng được Nhà trường thúc đẩy với mong muốn tăng cường nhận thức và tạo ra môi trường hội nhập quốc tế đối với các SV của Nhà trường.
Mối liên hệ hữu cơ giữa Nhà trường đặc biệt là các phòng thí nghiệm nghiên cứu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực thiết kế vi mạch luôn là mối quan tâm hàng đầu của trường ĐHCN. Sự hợp tác sâu rộng với các đối tác là các doanh nghiệp có tiềm lực và công nghệ trong lĩnh vực thiết kế chip/vi mạch bán dẫn tiêu biểu có thể kể tới như: Viettel, VNPT, FPT, Samsung, LG, Toshiba, TSMC (Đài Loan, Trung Quốc), Global Foundry (Hoa Kỳ), CMP (Pháp), VDEC (Nhật Bản), Synopsys (Hoa Kỳ), hãng Mentor Graphics (Hoa Kỳ)… hàng năm tạo điều kiện cho sự ra đời của rất nhiều các công trình nghiên cứu được đặt hàng từ các doanh nghiệp đối với các phòng thí nghiệm các trung tâm nghiên cứu của Nhà trường.
Truyền thống, sứ mạng và tầm nhìn tương lai sẽ là tiền đề để trường ĐHCN, tiếp tục tăng cường mở rộng quy mô đào tạo, định hướng nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội; góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và tạo ra thế hệ tài năng mới cho tương lai; xứng đáng là cơ sở đào tạo hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật.
Một số hình ảnh tại diễn đàn:
Bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á trao kỷ niệm chương cho các diễn giả
Bà Linda Tan trao chứng nhận cho các trường tham dự diễn đàn
Tọa đàm “Lực lượng nhân lực sẵn sàng cho tương lai trong ngành điện tử và bán dẫn”
Nhiều sinh viên thích thú tham gia đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm
ĐH Công nghệ – ĐHQGHN