Trung thu năm Ất Dậu (1945) rất đặc biệt vì là Trung thu đầu tiên sau khi dân tộc giành lại được độc lập. Trung thu đến khi nạn đói kinh hoàng đầu năm quét qua các tỉnh Bắc Bộ vẫn để lại di hại, lại còn hơn 90% nhân dân chưa biết chữ. Công việc kiến thiết “nước Việt Nam mới” chỉ mới bắt đầu và nhiều bề bộn.
Ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, dù phải giải quyết nhiều công việc cấp bách trước mắt, chỉ trong tháng đầu tiên xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 3 bức thư gửi tới các cháu thiếu niên, nhi đồng: Thư gửi các học sinh, Tết Trung thu với nền độc lập, Thư gửi thiếu nhi Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây là biểu hiện tập trung về sự quan tâm đặc biệt của Người với việc chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ – tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước.
Ngày 15/9/1945 (trước Trung thu 5 ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước với niềm hào hứng vui mừng: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em”.
Người vui mừng nhấn mạnh sự biến đổi vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thiếu nhi là một phần trong đó: “Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”.
Người mong muốn các em chăm ngoan học tập, trước tiên là học để biết ngay chữ quốc ngữ, và giúp đỡ cách mạng trong Hội Nhi đồng cứu vong. Người hy vọng và tin tưởng chỉ tương lai gần sẽ lại được tổ chức cuộc vui của toàn dân tộc [1].
Sau những ngày tưng bừng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử, cùng với niềm hân hoan của nhân dân cả Thủ đô, thiếu nhi ở Hà Nội được tập hợp trong các Đội Thiếu nhi Cứu quốc tại các khu phố. Các em náo nức chờ đón Tết Trung thu năm Ất Dậu không chỉ trông trăng, phá cỗ, rước đèn, múa sư tử như những Trung thu trước đó.
Dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, các em được học chào cờ và hát Tiến quân ca, tập đội ngũ và tập hát các bài hát cách mạng. Rằm Tháng Tám là ngày 20/9. Từ chiều, các em đã được tập hợp quanh Hồ Gươm để chơi đánh trận giả chống quân xâm lược.
Thiếu nhi vui Tết Trung thu độc lập đầu tiên của dân tộc.
Thời điểm đó, quân đội ta hoàn toàn chưa có xe tăng, máy bay và các khí tài hiện đại, nhưng mơ uớc của các em thì không có giới hạn. Các mô hình vũ khí bằng bìa được cắt, được tô như mơ ước của các em về 1 nền độc lập hùng cường.
Quân xâm lược được tượng trưng bằng mô hình tàu chiến đến từ biển khơi và bị “đẩy đuổi, đánh chìm” bằng “vũ khí” của lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập.
Người lớn cũng bị niềm vui đón Tết Trung thu của các em cuốn hút trong niềm hạnh phúc chung của cả dân tộc vừa giành lại được độc lập tự do. Các Đội danh dự thiếu nhi chỉnh tề trong các bộ đồng phục.
Tiếng hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng theo cờ đỏ sao vàng…” – bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác từ năm 1944 trong phong trào Kháng Nhật cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa, hòa cùng nhịp trống nối tiếp nhau vang rền, càng làm lòng người thêm phấn chấn.
TẾT TRUNG THU VỚI NỀN ĐỘC LẬP
Cùng các trẻ em yêu quý,
Hôm nay là Tết Trung thu.
Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa, và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!
Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở.
Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.
Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong hội (các em đã vào Hội đó chưa? Em nào chưa vào thì nên vào Hội cho vui).
Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui, cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?
Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái.
HỒ CHÍ MINH
(Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 15)
Trong đêm Trung thu độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa gửi thư cho thiếu nhi [2]. Trong thư, Người vẫn giữ cách xưng hô thân mật với “các em” mà không dùng danh vị Chủ tịch nước.
Đêm Trung thu, Người muốn các em vui chơi và đoàn kết, nhưng ngày mai không quên nhiệm vụ học tập và nghĩa vụ ngoan ngoãn để “mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do” [3].
“Việt Nam độc lập muôn năm!” sẽ luôn gắn với “Trẻ em Việt Nam sung sướng!”. Điều đó từng bước trở thành hiện thực từ ngày 2/9/1945. Điều đó được khẳng định lần đầu từ đêm đón trăng Trung thu dưới ánh sao vàng của các em.
Tình cảm đó, mong ước đó đã đi theo suốt cuộc đời vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Người đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình đấu tranh cho những điều cao đẹp cho dân tộc Việt Nam, cho thiếu nhi Việt Nam.
THƯ GỬI THIẾU NHI VIỆT NAM ĐÊM TRUNG THU ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
“Các em,
Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức. Như thế là tốt lắm. Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập.
Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do.
Các em có hứa với tôi như thế không? Tôi không có gì biếu các em, chỉ có thể đem cho mỗi đoàn các em một cái ảnh; các đại biểu sẽ đưa cho các em.
Cám ơn các em! Hôn các em nhé!
Trước khi các em đi phá cỗ vui vẻ, chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu:
Trẻ em Việt Nam sung sướng!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Chào các em,
HỒ CHÍ MINH”
(Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 26)
———————
[1] Báo Cứu quốc đã đăng bức thư này trong số 45, ra ngày 17/9/1945 – Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 15
[2] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr. 17
[3] Báo Cứu quốc đã đăng bức thư này trong số 49, ra ngày 22/9/1945 – Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 26
Nhandan.vn