Politico đưa tin, một lượng lớn tài liệu mật của Lầu Năm Góc đã xuất hiện trên mạng internet trong nhiều tháng mà không bị chính phủ Mỹ phát hiện.
Cụ thể, hình ảnh của các văn bản đã xuất hiện trên một nền tảng từ tháng 1. Tuy nhiên, chúng dường như chỉ thu hút sự chú ý của chính phủ Mỹ sau khi truyền thông đưa tin về vụ việc vào đầu tháng 4.
Một quan chức Mỹ ẩn danh nói với Politico rằng: “Không ai trong chính phủ Mỹ biết chúng đã bị rò rỉ ra bên ngoài”. Khi được hỏi về lý do, một quan chức khác thừa nhận không biết câu trả lời.
Theo 2 quan chức cấp cao khác, các nhân vật phụ trách an ninh quốc gia Mỹ được thông báo về các tài liệu này vào ngày 6/4, cùng ngày vụ rò rỉ được New York Times đưa tin lần đầu tiên. Và chính quyền Mỹ chỉ bắt đầu xem xét vụ rò rỉ vào tuần trước.
Sự chậm trễ đã khiến làm dấy lên một câu hỏi: Vì sao vụ rò rỉ lại không bị phát hiện trong một thời gian dài như vậy?
John Cohen, cựu quyền thứ trưởng phụ trách tình báo và phân tích tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay: “Các cơ quan chính phủ liên bang không chủ động giám sát các diễn đàn trực tuyến để tìm kiếm hoạt động liên quan đến mối đe dọa. Nếu một người hoặc tổ chức đăng thông tin mật lên một trong những diễn đàn đó thì có khả năng cao là các quan chức chính phủ sẽ không phát hiện ra thông tin đó”.
Các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc, cộng đồng tình báo và Bộ Tư pháp vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem ai là người đầu tiên làm rò rỉ các tài liệu, cũng như có bao nhiêu tài liệu mật của Mỹ có thể vẫn đang bị phát tán và vì sao không có ai chú ý tới sự việc.
Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ cho biết, mặc dù mỗi cơ quan đều có trách nhiệm điều tra các vi phạm thông tin tình báo trong bộ phận họ quản lý, nhưng không có văn phòng nào chịu trách nhiệm giám sát các trang mạng xã hội để tìm kiếm các thông tin mật bị rò rỉ.
Chính phủ Mỹ khẳng định rằng họ không theo dõi người Mỹ. Theo họ, việc giám sát các diễn đàn trực tuyến, ngay cả với mục đích là tìm các tài liệu bị rò rỉ bất hợp pháp, cũng bị coi là hành động theo dõi người Mỹ.
Một cựu quan chức tình báo Mỹ thông tin: “Chúng ta có thực sự muốn chính phủ giám sát mọi thứ được nói trên các trang mạng xã hội không? Câu trả lời cho điều này là không. Nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ tự động vướng vào các vấn đề về quyền tự do dân sự. Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách giải quyết vấn đề giữa một bên là bảo vệ quyền được nói của mọi người và đồng thời tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra”.
Ông Cohen lập luận rằng vụ rò rỉ này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, điều đó có nghĩa là Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận có thể không được áp dụng.
Theo chuyên gia này, trong vài năm qua, nhiều cơ quan chính phủ đã nhận thức được mặt tích cực của việc giám sát các diễn đàn trực tuyến cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề là có những giới hạn pháp lý nhất định đối với những gì các quan chức chính phủ có thể làm để theo dõi hoạt động trên các trang truyền thông xã hội.