Mua sắm, giải trí bằng… điện thoại
Nấu ăn, xem tivi hay khi lên giường nghỉ ngơi, bà Hà Thanh Thủy ở Nam Định vẫn không thể thiếu chiếc điện thoại di động. Bà khoe bộ đồ lửng vải lanh mát mẻ mặc ở nhà sao rẻ thế, chỉ khoảng 70 nghìn đồng thôi, trong khi đó nếu đi may cũng phải vài trăm nghìn.
Màn hình điện thoại là phiên livestream bán quần áo của một tài khoản online có hàng trăm người đang theo dõi. Bà Thủy nằm trên ghế, mắt lim dim, điện thoại để ở đầu giường, thi thoảng tiếng điện thoại vang lên “Chị em chốt đơn ngay với giá rẻ bất ngờ”, bà Thủy lại giật mình tỉnh dậy.
“Tôi mua thường xuyên kể cả đồ dùng trong nhà. Có tháng liên tục, 5-6 lần”, bà Thủy nói.
Không nghiện mua sắm online trên facebook như bà Thủy, ông Cường chồng bà Phan Thị Lan ở Hà Nam lại “mê” tất cả những nội dung video trên Facebook watch và YouTube. Ông gần như bỏ hẳn tivi để tập trung ánh mắt vào màn hình điện thoại 6,1 inch, vừa đủ lòng bàn tay.
“Cháu thì chả chịu trông, cứ cắm đầu vào điện thoại. Lúc ăn cơm gọi đi gọi lại ông mới ngồi ăn”, bà Lan bức xúc.
Chắc chắn rằng mạng xã hội giờ đây không còn là đặc quyền của giới trẻ. Người cao tuổi online ngày càng nhiều. Họ tự chụp ảnh, đăng tải cảm xúc lên trang cá nhân, bày tỏ cảm xúc, viết lời bình luận ở các bài đăng của bạn bè một cách thành thục. Thậm chí kết nối online với con cháu có phần nhiều hơn là trao đổi trực tiếp.
Cách đây 5 năm, chị Nguyễn Thị Hạnh ở Bắc Ninh mua tặng mẹ chiếc điện thoại thông minh và lắp wifi tại nhà. “Rất tiện lợi, mẹ con gặp nhau mỗi ngày, trao đổi được nhiều mà không tốn kém mấy. Nhưng khi mà mẹ thành thạo điện thoại, có tài khoản mạng xã hội thì mẹ lại thích online nhiều hơn, thành nghiện“, chị chia sẻ.
Bà Trần Thị Hoa, mẹ chị Hạnh không phải chỉ có một chiếc điện thoại. Bà dùng 2 điện thoại thông minh để phục vụ các buổi hát livestream.
“Một cái để livestream và một cái để bật nhạc”, bà cho biết nhiệm vụ của từng chiếc điện thoại.
Ở tuổi 65, bà Hoa thành thạo các thao tác trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Bà tham gia nhiều hội nhóm, trong đó có nhóm hát cho nhau nghe mỗi tối thông qua hình thức livestream.
“Tôi có tuổi rồi, ở nhà trông cháu chả đi đâu. Tối vào mạng ca hát hoặc cổ vũ đội này đội kia”, bà Hoa nói.
Người già còn khó “cai” Internet hơn người trẻ
Năm 2018, Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ) công bố Facebook đang dần mất sức hút với giới trẻ, trong khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này lại đón nhận làn sóng người dùng trên 55 tuổi.
Đơn giản là người cao tuổi có nhiều thời gian, họ có nhu cầu kết nối bạn bè, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Đặc biệt hiện nay, các gia đình nhiều thế hệ ít dần, con cái có xu hướng lập gia đình sẽ tách ra ở riêng. Không chỉ để vơi nỗi cô đơn, rất nhiều người cao tuổi tìm ra cách để công nghệ trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.
Internet giúp kết nối xa xôi trở nên gần gũi những cũng đang mình chứng sự mất kết nối trực tiếp giữa con người. “Rõ ràng là con cháu kết nối online với cha mẹ, ông bà nhiều hơn là đến thăm nom trực tiếp”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết nói.
Vậy là mỗi gia đình giờ đây không phải chỉ có người trẻ chăm chú vào điện thoại, đã có thêm thành viên nữa chính là ông bà, những công dân online cao tuổi.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết cảnh báo, khi dành thời gian quá nhiều cho Internet, người cao tuổi càng tăng khả năng mất ngủ, sức khỏe suy giảm, thính lực yếu, lười kết nối thực tế… Quan trọng hơn, người cao tuổi rất dễ tin vào những lời quảng cáo và sẵn sàng chi tiền vào những món hàng không tương xứng giá trị.
Bà Hà Thanh Thủy ở Nam Định vẫn ngày 8 tiếng xem bán hàng livestream, điện thoại vừa sạc vừa xem. Chẳng cần ai dạy bà giáo về hưu mua online, bà tự tìm hiểu, tự biết cách liên hệ đặt giao hàng, thành thạo chẳng kém gì con cháu.
Người giao hàng địa phận xã nơi bà Thủy sinh sống trở thành khách quen. Bà thừa nhận không thiếu những lần hàng nhận được khác với hình ảnh đăng tải khiến bà ngậm đắng nuốt cay.
“Không ưng thì mình trả tiền ship”, tốn vài chục tiền công giao, bà Thủy không tiếc.
“Người già thường hơi bảo thủ. Họ cho rằng mình có đủ kỹ năng sống rồi nên khi con cháu phân tích cho họ việc không nên thế này thì họ sẽ giấu con cháu. Họ có nguy cơ bị lừa đảo về mặt tài chính”, chuyên gia phân tích.
Minh Khang(VOV2)