Với hoạt động công nghiệp, dịch vụ diễn ra sôi động nhiều năm qua, môi trường trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng. Bởi vậy, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giảm tác động xấu và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn.
Trước hết, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn nhằm kiểm soát chất lượng nước, khí thải và quản lý chất thải trên địa bàn. UBND các địa phương thường xuyên triển khai cải tạo, phục hồi các dòng sông, đoạn sông, hồ chứa ở các đô thị bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, tăng cường công tác cấp phép, đăng ký khai thác nước dưới đất…
Việc kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường vịnh Hạ Long được chú trọng. Tại khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện tỉnh đã hoàn thiện lắp đặt 2 thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokasho của Nhật Bản, thu gom xử lý toàn bộ nước thải phát sinh do khách du lịch và nhân viên quản lý tại đảo Titop; lắp đặt 2 hệ thống xử lý nước thải Uniship cho hệ thống nổi tại hai điểm tham quan.
Đã có hơn 230 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long. Nhờ vậy, tỷ lệ rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch giảm 90%. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thay thế phao xốp trên các công trình nuôi được cấp phép hoặc chờ cấp phép…
Quảng Ninh còn tiếp tục thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô – Đảo Trần; tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Về phía các địa phương đang tích cực triển khai các dự án thu gom nước thải sinh hoạt trong khu dân cư; thu gom rác thải; di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; kiểm tra nghiêm việc xử lý chất thải nguy hại. Đến nay đã có gần 400 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị được di dời ra khỏi các khu dân cư.
Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường như: Xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước; lắp đặt các máy phun sương dập bụi cao áp; thực hiện lộ trình cải tạo phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động… Hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc ký quỹ bảo vệ môi trường. Từ năm 2022 đến nay, có 74 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với 115 dự án.
Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý và người dân dễ dàng giám sát; một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO; đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi… Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tái sử dụng đất, đá thải từ các mỏ, tro xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện phục vụ san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần giảm diện tích các bãi chứa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, tỉnh và các doanh nghiêp đã đầu tư, quản lý và vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn. Các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Đến nay, 167 trạm quan trắc tự động được đầu tư và đi vào hoạt động, chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường… Nhờ các giải pháp bảo vệ môi trường được đẩy mạnh mà chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được cải thiện đáng kể.