Từ thành viên của tập đoàn quản lý khối tài sản 548 tỉ USD
Giới thiệu trên website của mình, Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) là thành viên của Tập đoàn Tài chính Mirae Asset. Tập đoàn này được thành lập tại Hàn Quốc, đang mở rộng ra 17 quốc gia. Tổng tài sản đang quản lý (tính đến tháng 3.2023) khoảng 548 tỉ USD.
Trong khi đó, Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) được thành lập vào tháng 12.2007 tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thuở sơ khai, doanh nghiệp này có tên là Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, vốn điều lệ 300 tỉ đồng.
Đến năm 2015, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận giao dịch chuyển nhượng cổ phần để Mirae Asset Wealth Management (HK) Limited sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của công ty. Đồng thời, UBCKNN chấp thuận việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của công ty chứng khoán này thành Công ty TNHH Một thành viên. Do đó, Mirae Asset (Việt Nam) là một trong những công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Kể từ năm 2015, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Tài chính Mirae Asset, Chứng khoán Mirae Asset đã có 5 lần tăng vốn, đưa vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 6.590,5 tỉ đồng tính tại thời điểm tháng 11.2021.
Đi kèm với quá trình vốn thần tốc, tài sản của Chứng khoán Mirae Asset cũng có những bước nhảy vọt kể từ thời điểm 2015.
Cụ thể, kết thúc năm 2015, tổng tài sản Chứng khoán Mirae Asset đạt 298 tỉ đồng. Thế nhưng, một năm sau, tổng tài sản đã tăng lên đến 706 tỉ đồng, tương ứng tăng đến 257% chỉ sau 12 tháng. Đà lớn mạnh của tài sản Chứng khoán Mirae Asset duy trì mạnh mẽ những năm sau đó. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, tại ngày 30.6.2023, tổng tài sản của công ty chứng khoán này đạt hơn 20.550 tỉ đồng.
Tương tự, doanh thu và lợi nhuận Chứng khoán Mirae Asset cũng tịnh tiến những khoảng lớn. Kết thúc năm 2015, doanh thu hoạt động chỉ mới đạt 36 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 5 tỉ đồng. Doanh nghiệp khi đó lỗ luỹ kế gần 40 tỉ đồng.
7 năm sau, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hoạt động Chứng khoán Mirae Asset đã lên đến 2.640 tỉ đồng, lãi sau thuế lên đạt gần 753 tỉ đồng. Tính đến thời điểm ngày 30.6.2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 2.805 tỉ đồng.
Đến vi phạm cơ bản gây mất niềm tin, ảnh hưởng đến sự minh bạch
Những số liệu này cho thấy, kể từ khi về tay Tập đoàn Tài chính Mirae Asset, Chứng khoán Mirae Asset đã có những sự tăng trưởng đáng kể. Thế nhưng mới đây, đơn vị này đã bị UBCKNN xử phạt 112,5 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng.
Cụ thể, Mirae Asset nhận lệnh và đặt lệnh cho giao dịch bán cổ phiếu Công ty Cổ phần Lizen (mã LCG) của ông Nguyễn Văn Nghĩa trong thời gian từ ngày 8.6.2023 đến ngày 16.6.2023. Tuy nhiên, đơn vị này lại thực hiện giao dịch mua 20.000 cổ phiếu LCG vào ngày 9.6. Sau đó, tiếp tục thực hiện bán vượt quá khối lượng đăng ký giao dịch của khách hàng.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Mai Thảo – Phó Giám đốc TAT Law Firm – cho biết, việc “đặt nhầm” lệnh của Chứng khoán Mirae Asset đã gây thiệt hại cho khách hàng và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Vấn đề được dư luận quan tâm là sau khi Mirae Asset bị xử lý bởi hành vi vi phạm trên, hướng giải quyết cho nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Mai Thảo dẫn căn cứ theo Khoản 1 Điều 33 Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định về việc sửa lỗi sau giao dịch chứng khoán do Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam thực hiện: “Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện sửa lỗi sau giao dịch đối với các trường hợp thành viên bù trừ là công ty chứng khoán đặt nhầm, sai lệnh của khách hàng như: sai số tài khoản của khách hàng, sai mã chứng khoán, sai mức giá, thừa lệnh, nhầm lệnh mua thành lệnh bán và ngược lại, sai số lượng chứng khoán…”.
Còn theo luật sư Phùng Lan (Công ty Luật TNHH Quốc tế Nam Thái), khi nhà đầu tư phát hiện ra việc nhầm lẫn của công ty chứng khoán, cần báo lại ngay cho công ty chứng khoán để họ kịp thời xử lý, hủy lệnh hoặc sửa lỗi sau giao dịch chứng khoán.
Trường hợp nhà đầu tư có căn cứ cho rằng, công ty chứng khoán cố tình đặt nhầm lệnh giao dịch, hoặc cố tình không xử lý việc đặt nhầm lệnh gây thiệt hại cho mình, hoặc để thu lợi bất chính thì cần báo cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc để xử lý hành vi vi phạm.
“Vụ việc trên cho thấy, việc giám sát chặt chẽ, kịp thời của cơ quan nhà nước trong hoạt động chứng khoán. Do đó, các công ty chứng khoán cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch chứng khoán, tuyệt đối tuân thủ Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành để tránh các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Từ đó, gây mất niềm tin của khách hàng và ít nhiều có ảnh hưởng đến sự minh bạch, uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam” – luật sư Mai Thảo nhấn mạnh.