Nhìn nhận cản trở lớn nhất để có tư duy mới là bản thân, bà Cao Thị Ngọc Dung nói, phải học cách bỏ đi những gì đã làm.
Tư duy đổi mới được các doanh nhân nhìn nhận là cách giúp doanh nghiệp phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức.
Nói tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam chiều 27/9, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ, có thói quen ngày hôm nay nghĩ về những việc đã làm hôm qua. “Điều này giúp tôi chắt lọc, tìm kiếm những gì tốt, có thể cải tiến hơn cho công việc, công ty”, bà nói. Theo bà, những điều mới sẽ luôn xuất hiện, cần được cập nhật. Tuy nhiên, để cái mới được phát huy, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải vượt qua cản trở lớn nhất, là bản thân mình.
“Khó khăn lớn nhất là bạn có dám đập bỏ đi những thứ mình từng gầy dựng, từng tự hào không. Cái mà tôi và Lê Trí Thông (CEO PNJ) đang học là quên đi những gì mình đã làm, dũng cảm nhìn lại những điều cũ để phá bỏ nó”, bà chia sẻ.
Kể từ khi thành lập đến nay, cứ 5 năm, PNJ lại phải tái cấu trúc một lần. Văn hóa học tập cũng được lưu ý, bởi đây là cách “cấy gen đổi mới” vào từng cá nhân trong doanh nghiệp. Với những người không phù hợp, không thay đổi được tư duy, PNJ cũng mạnh dạn nói lời chia tay.
Nếu 10 năm trước đó, PNJ được biết đến là nhà sản xuất, chế tác nữ trang thì hiện doanh nghiệp định hướng là nhà bán lẻ với các sản phẩm bao gồm trang sức, dịch vụ làm đẹp, phong cách sống. Lãnh đạo PNJ cũng nhìn nhận, giai đoạn Covid-19 được xem là chất xúc tác khiến tập đoàn thay đổi nhanh hơn. Doanh nghiệp cũng tập trung vào chuyển đổi số. Ví dụ các giải pháp từ nền tảng điện toán đám mây được triển khai trong 2 năm qua giúp PNJ tăng công suất hệ thống lên tới 500% và năng suất bán hàng đến 200%.
Bà Cao Thị Ngọc Dung gắn liền với sự phát triển của PNJ kể từ khi tập đoàn này mới chỉ là một cửa hàng kinh doanh Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, thành lập hồi năm 1988. Đến nay, PNJ đã thuộc top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất theo ghi nhận của Forbes Việt Nam.
Đồng tình với bà Dung, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị U&I Group nói, doanh nghiệp luôn cần vận động, trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn. “Cái mới của năm nay, năm sau sẽ thành cũ, điều này không bao giờ dừng lại. Do đó, nghĩ về tư duy mới luôn đúng ở mọi thời điểm chứ không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông lưu ý, tư duy mới không có nghĩa là xoá bỏ toàn bộ những cái cũ, thay vào đó, cái cũ sẽ là nền tảng. Các doanh nghiệp cũng nên tiếp cận theo hướng tạo những thay đổi nhỏ, từ đó tạo hiệu quả cuối cùng tốt nhất.
Trong quá trình đầu tư vào một số doanh nghiệp có lãnh đạo là người lớn tuổi, ông nói, nhiệm vụ chủ yếu là “khơi gợi” lại tinh thần cho họ. “Đừng nghĩ những lãnh đạo U50, U60 thì không còn tư duy mới, họ chỉ cẩn trọng hơn sau nhiều biến cố cuộc đời”, ông nhìn nhận.
Là một doanh nghiệp trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CNCTech Group, cho biết bản thân doanh nghiệp luôn phải thay đổi. Quá trình nghiên cứu, cải tiến sản phẩm đã giúp doanh nghiệp có thêm nhiều kinh nghiệm, tăng khả năng sáng tạo.
“Khi có vấn đề thì chúng tôi thường tìm cách bẻ nhỏ nó ra, sau đó suy nghĩ mới, nhiều chiều. Cứ phân tích theo tư duy cũ, kinh nghiệm có sẵn sẽ thấy bế tắc vì toàn thấy rủi ro, từ đó không dám bước tiếp”, anh nói.
Đức Minh