SGGP
Trong khuôn khổ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII, Trung ương Đoàn đã tổ chức 6 diễn đàn thảo luận về các chủ đề quan trọng trong định hướng phát triển phong trào thanh niên giai đoạn hiện nay.
Trong đó, một vấn đề mới được đặc biệt quan tâm là thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số.
Mặc dù “Chấn hưng văn hóa” là một nội dung khá mới của phong trào đoàn, thế nhưng những ý kiến tham gia diễn đàn cho thấy sự hiểu biết, thái độ quan tâm, ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến chứng tỏ thanh niên đã nhận diện đúng về tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của kỷ nguyên số đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn nhận một cách khách quan và đa chiều, đại biểu Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cụ thể, ở góc độ tích cực, kỷ nguyên số giúp việc sưu tầm, bảo tồn, phổ biến và truyền bá giá trị văn hóa dân tộc dễ dàng, hiệu quả hơn. Các di sản văn hóa được bảo tồn, tái hiện bằng các công nghệ 3D, VR, AR… sẽ giúp người xem có những trải nghiệm mới mẻ và sinh động. Bên cạnh đó, các lễ hội, các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa… được tổ chức trực tuyến qua các nền tảng số như Zoom, Facebook, YouTube… cũng giúp cho người xem dễ dàng tiếp cận, tương tác thuận tiện và linh hoạt.
Lo ngại những ảnh hưởng của công nghệ số, đại biểu Phan Ngọc Đoan Trang, Bí thư Thành đoàn TP Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, trong một số trường hợp, việc sử dụng công nghệ có thể dẫn đến sự giảm thiểu và mất đi ngôn ngữ và di sản văn hóa của một dân tộc. Bên cạnh đó, những thế lực thù địch có thể sử dụng công nghệ số tạo ra các sản phẩm văn hóa văn nghệ có nội dung xấu với âm mưu, thủ đoạn bôi nhọ chế độ, phá hoại cách mạng. Sự lan truyền của văn hóa đại trà qua phương tiện truyền thông toàn cầu còn là nguy cơ khiến truyền thống văn hóa dân tộc trở nên ít phổ biến và mất đi tính độc đáo.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Phan Ngọc Đoan Trang cho biết, các cấp Đoàn TPHCM đã đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, trong đó chú trọng giáo dục truyền thống cho thanh niên thông qua những hoạt động cụ thể, đa dạng. Một trong những giải pháp hữu hiệu là số hóa các tài liệu, sách, hình ảnh, âm nhạc và truyền tải qua internet, từ đó giúp bảo tồn và truyền tải di sản văn hóa cho thế hệ sau. Đại biểu này cho rằng, đoàn viên, thanh niên cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu di tích lịch sử, các loại hình văn hóa, các ngành nghề truyền thống nhằm tôn vinh bản sắc dân tộc của địa phương mình, đẩy mạnh các trang thông tin chính thống, từ đó giúp việc định hướng văn hóa dân tộc trên không gian mạng.
Cũng đề cao việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nhiều ý kiến đề nghị Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT cần ban hành các chế tài khắt khe hơn đối với các ca sĩ, diễn viên, KOL (người ảnh hưởng lớn đến cộng đồng) để tránh việc lạm dụng văn hóa, truyền tải những thông tin xấu, độc đến giới trẻ. Các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần phối hợp thành lập các câu lạc bộ dân ca dân vũ ở các bản làng, khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia biểu diễn và truyền thông trên các trang mạng xã hội…