Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Đồng thời có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030
Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (có hiệu lực từ năm 2016), Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trong NDC cập nhật năm 2020 đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).
Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 – 2030 được xác định cho các lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, quản lý chất thải, công nghiệp…
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050.
Đồng thời Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch; Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.
Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Quản lý thị trường các-bon – giải pháp hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính
Thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc quản lý thị trường các – bon.
Phát triển thị trường các-bon trong nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường”; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016…
Trước đây, do chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp chỉ trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện theo các cơ chế hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tạo tín chỉ các-bon. Việc trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế tín chỉ các-bon. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp hơn 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.
Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường cho biết: Hiện Việt Nam đang xây dựng “Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước”, trong đó tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp; trao đổi trong thị trường các-bon trong nước và định hướng kết nối với thị trường quốc tế. Cả nước hiện có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải.
Tín chỉ các – bon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán các – bon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác. Mục tiêu lớn nhất của định giá các-bon và thiết lập thị trường carbon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. |
Hà An