Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ngành nghề; trong đó có dệt may đang nỗ lực tìm hướng giảm phát thải ra môi trường.
Sản phẩm không xanh, khó sang nước lớn
Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may là lĩnh vực phát thải carbon cao. Sản xuất trong ngành dệt may bao gồm cả trồng bông, sử dụng khoảng 93 tỷ mét khối nước/năm và chiếm 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới. 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu là phát sinh từ các hoạt động xử lý hàng dệt nhuộm. Đồng thời ngành dệt may đã phát thải 3.3Gt khí CO2 quy đổi và chiếm 6,7% tổng phát thải này của toàn cầu. Sản xuất hàng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 – 2015, tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào 2030.
Xanh hóa dệt may sẽ thêm lợi thế cho Việt Nam khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: tapchimoitruong.vn).
Theo một nghiên cứu tại EU, ngành dệt may đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu, đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Tại EU, hằng năm có khoảng 5,8 triệu tấn sản phẩm cũ hàng may mặc thải loại ra môi trường, tương đương khoảng 11 kg/người dân.
Sản xuất hàng dệt may cũng tiêu tốn năng lượng để vận hành nhiều loại thiết bị, tạo ra hơi và nhiệt cho các quy trình xử lý khác nhau. Tại Việt Nam, tính toán cho thấy, ngành dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng năm triệu tấn CO2 mỗi năm. Đồng thời, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) với các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm sử dụng lớn lượng nước và nhiều loại hóa chất, phải được xử lý khi thải ra môi trường.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… đều đòi hỏi khắt khe hơn đối với sản phẩm may mặc. Cụ thể như: đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không sử dụng than làm khí đốt, sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Trong bối cảnh doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường, sản xuất xanh được xem là một trong những giải pháp dài hạn. Như với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ “xanh hóa” đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng.
Cần đòn bẩy từ chính sách
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công đã đầu tư nghiên cứu những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp tích hợp các hệ thống điều hành mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường và năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, áp mái… Nhiều loại sợi từ cà phê, sen, hàu, bạc hà đã và đang được các doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời, đáp ứng nhu cầu xanh hóa của ngành. Mới đây, Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink) đã cho ra mắt sản phẩm mới từ sợi vải cà phê, giúp giảm nhiều chất thải bảo vệ môi trường và khử mùi hiệu quả.
Sự chuyển đổi tích cực của doanh nghiệp đang hình thành chuỗi cung ứng thời trang xanh, phù hợp với xu thế. Tuy vậy, việc phát triển chuỗi cung ứng này vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành mới dừng lại ở đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải… Trong khi đó, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh còn chưa nhiều.
Khu trưng bày của các làng nghề dệt may trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: Báo Nhân dân).
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang, các loại vải từ nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường thường có nguồn gốc tự nhiên, nên cần công nghệ xử lý tiên tiến để đảm bảo giữ được các tính năng vốn có của sợi. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ…
Đại diện Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agtek) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu thô sơ cấp như bã cà phê, bạc hà, sen, xơ dừa… nhưng liên kết và sự đầu tư vẫn còn yếu. Để sản xuất sản phẩm sợi từ nguyên liệu thô thiên nhiên, ứng dụng cao trong may mặc, da giày, cần phải có những công nghệ và liên kết chuỗi mạnh. Liên kết ở đây là giữa nơi đào tạo nhân lực, đầu từ nghiên cứu và đầu tư máy móc. Do đó, vấn đề chính mà các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải đối mặt là nguồn tài chính để đầu tư cho nghiên cứu, công nghệ rất lớn.
Theo ông Vũ Đức Giang, ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần sớm hoàn thiện Luật Môi trường (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu chung của Luật môi trường thế giới nhưng vẫn phải phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may nhưng phải đạt các chuẩn mực về xử lý nước thải. Với các giải pháp đồng bộ, ngành may mặc, thời trang Việt Nam mới xanh hóa và đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu, đối tác nước ngoài.
Thùy Dương