Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã và đang thay đổi mô hình sản xuất, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, phấn đấu đạt mức tự trung hòa carbon.
Năm 2023, lần đầu tiên một nhà máy sữa và một trang trại bò sữa tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ trung hòa carbon, nghĩa là lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất cũng tương đương với lượng CO2 được đơn vị hấp thụ ngược trở lại.
Theo báo cáo của Vinamilk, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17,560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh). Đây là kết quả của “hành động kép”, nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc cấp chứng nhận trung hoà carbon có ý nghĩa rất quan trọng. Tính ra tổng lượng CO2 mà doanh nghiệp trung hoà lên tới hơn 17.500 tấn, tương đương với việc trồng mới 1,7 triệu cây xanh.
Đại diện các tổ chức quốc tế trao chứng nhận trung hòa carbon cho lãnh đạo nhà máy sữa và trang trại của Vinamilk tại Nghệ An. (Ảnh: Vinamilk)
Thống kê của một số đơn vị tư vấn cho thấy, hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có vài chục đơn vị đã đăng ký thực hiện kiểm đếm và tính toán lượng khí thải carbon ra môi trường. Còn nếu được chứng nhận là trung hoà carbon, mới chỉ ghi nhận có 2 đơn vị được cấp chứng nhận này bao gồm Vinamilk và một doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp FDI cũng đang đồng lòng hướng tới giải pháp tự trung hoà carbon theo tiêu chuẩn quốc tế. Với hơn 19.000 lao động cùng quy mô các nhà xưởng lớn, Công ty may Tân Đệ đã đầu tư hạ tầng đạt tất các chuẩn mực về xanh hóa, chuẩn mực về môi trường, sử dụng nguồn nước sạch, tái tạo nguồn nước để phục vụ cho việc phát triển bền vững.
Quy mô hơn, một dự án lớn của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã được khởi công xây dựng theo tiêu chí trung hòa carbon. Theo kế hoạch, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego và sẽ bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời. Dự án của tập đoàn có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44ha, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến hoạt động năm 2024.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã và đang thay đổi mô hình sản xuất, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, phấn đấu đạt mức tự trung hòa carbon. (Ảnh minh họa)
Không chỉ dừng lại ở từng nhà máy riêng lẻ, Khu liên hợp công nghiệp trung hòa Carbon đầu tiên tại Việt Nam cũng dự kiến sẽ được thành lập với diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Theo đó, giữa tháng 4 đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero” giữa Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc). Tập đoàn SEP Cooperative đã giới thiệu các công nghệ trung hòa carbon sẽ áp dụng tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), gồm 3 hạng mục: Sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải; công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù là một xu hướng tất yếu, nhưng để đạt được sản xuất trung hoà carbon không hề đơn giản. Từ vốn đầu tư công nghệ sản xuất, năng lượng tái tạo, hay trồng cây, tới sự quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, trung hoà carbon sẽ càng dễ thực hiện hơn nếu có càng nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Một mạng lưới doanh nghiệp trung hoà carbon gắn kết với nhau sẽ giúp đẩy nhanh cuộc chạy đua về 0 này.
Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay, theo Nghị định 06, các doanh nghiệp sản xuất theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Sau đó, giai đoạn từ 2026 – 2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Tuy nhiên, nếu phát thải quá mức, doanh nghiệp vẫn còn lựa chọn mua tín chỉ carbon khi dự kiến tới 2025 Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, trước khi đi vào vận hành chính thức vào năm 2028. Với hành lang pháp lý như vậy, sản xuất trung hoà carbon tới đây sẽ không chỉ còn là xu hướng, mà là bắt buộc. |
Ngọc Châu