Đây là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” vừa được tổ chức cuối tháng 9.2023.
Ông Phạm Tuấn Anh dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của thông qua việc đào tạo đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất.
Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí – ôtô, hiện chúng ta có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.
Đáng chú ý, tỉ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỉ lệ nội địa hóa khoảng 45 – 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 – 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô 5 – 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỉ lệ nội địa hóa cao hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn Anh, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.
Nhằm tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài xúc tiến đầu tư, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
* “Về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng” – ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA).
* “Trong thời gian tới, Nhà nước, Bộ Công Thương thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều, sẽ có sự chuyển dịch. Doanh nghiệp vẫn có nhiều cơ hội, như các hiệp hội giới thiệu rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối với những tập đoàn như Boeing hay Airbus” – ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics).