Binh sĩ Ukraine lắp thêm tấm thép ở phía trước gầm xe tăng Challenger 2, nhằm bảo vệ điểm yếu này trước đạn chống tăng của Nga.
Video xuất hiện trên mạng xã hội tuần trước cho thấy xe tăng chủ lực Challenger 2 số hiệu 506 thuộc lữ đoàn dù số 82 Ukraine di chuyển tại khu vực miền nam nước này. Điểm nổi bật trên chiếc Challenger 2 trong video là một tấm thép được gắn vào phần gầm vát phía trước mặt xe.
Biên tập viên David Axe của Forbes nhận định Challenger 2 là một trong những loại xe tăng có giáp tốt nhất thế giới, với lớp bảo vệ Dorchester trên tháp pháo tương đương thép cán dày 1.400 mm. Tuy nhiên, do Anh trong nhiều thập kỷ áp dụng học thuyết triển khai xe tăng trong công sự, phần gầm vát phía trước mặt xe chỉ có lớp giáp mỏng.
Lục quân Anh sau đó bổ sung giáp phụ bảo vệ vị trí này, song dường như những chiếc Challenger 2 mà họ viện trợ cho Ukraine không có phụ kiện như vậy, khiến chúng rất dễ tổn thương khi bị bắn vào gầm phía trước. “Các quan chức Anh gần như mong rằng Ukraine sử dụng những chiếc Challenger 2 này để phòng thủ”, Axe viết.
Song trên chiến trường, lữ đoàn dù 82 Ukraine, đơn vị duy nhất vận hành 14 chiếc Challenger 2 mà Anh viện trợ, đang tiến công trên trục Rabotino trong đợt phản công quy mô lớn. Do đó, các binh sĩ Ukraine phải lắp giáp bảo vệ gầm tự chế cho xe tăng Challenger 2.
Lớp giáp tự chế có thể khắc phục điểm yếu vốn có của Challenger 2 ở mặt trước, nhưng lính Nga dường như đã phát hiện một điểm yếu khác ở nóc tháp pháo của dòng xe này trước tên lửa chống tăng 9M133 Kornet.
Đây là những gì chiếc Challenger 2 của Ukraine hứng chịu trong trận đánh gần làng Rabotino, nơi lực lượng nước này tái kiểm soát hồi giữa tháng 8.
Chiếc Challenger 2 khi đó dường như trúng mìn khi di chuyển từ Rabotino sang làng Verbovoe gần đó. Lính Nga phóng tên lửa chống tăng Kornet bắn trúng nóc tháp pháo chiếc Challenger 2, khiến xe tăng cháy rụi.
“Xạ thủ tên lửa dường như sử dụng tính năng tấn công từ trên không. Quả đạn Kornet nhiều liều nổ kích hoạt phía trên nóc tháp pháo Challenger 2, vị trí có giáp mỏng và không có lớp bảo vệ phụ trợ nào”, biên tập viên Axe viết.
Đòn tập kích dường như đốt cháy đạn pháo của chiếc Challenger 2 được cất trong khoang chứa đặc biệt, vốn được thiết kế để ngăn vụ nổ thứ cấp. Tuy nhiên, khoang chứa này dường như không phát huy tác dụng, bởi vụ nổ đạn đã làm tháp pháo chiếc Challenger 2 bị lệch khỏi thân xe, dù không bị thổi bay như trên xe tăng T-72 Nga.
“Đây là tình huống xấu với chiếc Challenger 2, khi nó hứng chịu hai đòn đánh liên tiếp. Lần thứ nhất là mìn chống tăng làm hỏng xích, khiến chiếc Challenger 2 bất động, sau đó là đòn đánh vào nóc tháp pháo”, Axe viết. “Đây dường như là chiến thuật diệt xe tăng Challenger 2 mà lính Nga đã phát hiện ra”.
Xe tăng chủ lực Challenger 2 được Anh phát triển từ cuối những năm 1980, trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm. Đây là dòng xe tăng duy nhất của NATO sử dụng nòng pháo có rãnh khương tuyến, do quân đội Anh ưu tiên sử dụng đạn nổ mạnh đầu dẻo (HESH) thay vì đạn thanh xuyên tách vỏ dưới cỡ (APFSDS) phổ biến với pháo nòng trơn.
Đạn HESH có tầm bắn vượt trội so với APFSDS, đạt hiệu quả cao khi đối phó với công trình kiên cố hoặc phương tiện có giáp mỏng như xe chiến đấu bộ binh đối phương. Tuy nhiên, khả năng xuyên phá của nó thua kém đạn động năng và gần như vô hiệu trước các loại giáp phức hợp trên xe tăng chủ lực hiện đại.
Mẫu xe tăng này nặng 62,5 tấn, trang bị động cơ diesel V-12 có công suất hơn 1.200 mã lực, giúp nó đạt tốc độ tối đa 59 km/h trên đường bằng và 40 km/h khi vượt địa hình.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)