Trong vòng 70 năm qua, ngành giải trí đã phát triển vượt bậc cùng với tốc độ phát triển của truyền hình, YouTube, mạng xã hội… Người dùng được tiếp cận nội dung mọi lúc, mọi nơi. Các hình thức như nghe nhạc, xem phim trực tuyến đều tăng trưởng mạnh, trong khi những hình thức truyền thống lại sụt giảm hoặc đi ngang.
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số”, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ đô Multimedia chia sẻ Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu người dùng OTT.
Từ những năm 1990, khái niệm vi phạm bản quyền cũng xuất hiện nhờ sự phổ biến của Internet. Cuộc cách mạng số hóa đặt ra những thách thức chưa từng có trong bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu phải có giải pháp mới để bảo vệ nội dung trước hàng loạt rủi ro về xâm phạm bản quyền.
Dù Việt Nam đã thực thi các biện pháp chặn tên miền, hay triển khai giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép, nhưng vẫn chưa đủ và cần tới giải pháp đa chiều. Đặc biệt, DRM tồn tại lỗ hổng cho phép lợi dụng giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.
Ngoài ra, các nhà cung cấp truyền hình OTT và hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với các nguy cơ khác như: vi phạm xuyên quốc gia sử dụng VPN, vi phạm trên nhiều nền tảng (mobile, đầu thu, web), vi phạm bằng phát lại trực tuyến (re-streaming).
Các đối tượng vi phạm bản quyền sẵn sàng dùng máy quay để quay lại trực tiếp rồi phát lại trên các nền tảng khác, hoặc cắm đầu HDMI để thu lại nội dung rồi phát tán trên Internet.
Ông Nguyễn Ngọc Hân thông tin, 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số, trong đó những nội dung bị vi phạm nhiều nhất là chương trình truyền hình (49,4%), phim ảnh (17,1%), nhạc (16%), sách (11,2%) và phần mềm (6,2%).
Tại Việt Nam, chỉ riêng năm 2022 đã thiệt hại 348 triệu USD do vi phạm bản quyền. Tính trên toàn cầu, con số lên tới 65 tỷ USD cho ba ngành âm nhạc, phim và truyền hình. Nếu không thể bảo vệ bản quyền, các nhà sản xuất nội dung sẽ không có được ngân sách đầu tư cho các dự án mới phục vụ người dùng.
Trước tình hình này, các hãng thiết bị đã áp dụng những biện pháp như xóa dòng thiết bị vi phạm, nâng cấp phần mềm song chưa thể bảo vệ toàn diện.
Cần có giải pháp đa chiều có thêm lớp quan sát chủ động quan sát và báo cáo tất cả các can thiệp từ hệ điều hành, các phần mềm can thiệp trước khi cấp quyền xem; cấp quyền tới từng thiết bị một cách linh hoạt theo từng nội dung và tự phân tích, báo cáo thông minh về xu hướng vi phạm bản quyền, cách thức vi phạm bản quyền từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền phù hợp.
Thủ đô Multimedia đã phát triển giải pháp Sigma Multi-DRM bao gồm ba lớp bảo vệ được kiểm định bởi Catersian, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết các vấn đề phức tạp của vi phạm bản quyền.
Giải pháp quan sát chủ động (SAO) bao gồm 5 tính năng chính: Phát hiện mối đe dọa đa chiều, phát hiện và loại bỏ VPN, kháng lại giả mạo gói tin, phân tích hành vi người dùng và thông tin thời gian thực.
Khi sử dụng Sigma Multi-DRM tích hợp SAO, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT và các nhà phát hành phim, nhạc trực tuyến có thể bảo vệ nội dung độc quyền, nâng cao uy tín thương hiệu, tối ưu doanh thu và chủ động trong bảo mật.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, đối với vấn đề vi phạm bản quyền, một phần lỗi đến từ chính đơn vị chủ thể quyền do không bảo vệ nội dung ngay từ đầu. Tại các phòng thu, ngay khi thu âm, họ đã đính mã để khẳng định bản thu âm được sản xuất ở phòng thu. Khi phát lên Internet, có thể biết họ thu tại phòng thu nào.
Đối với giải pháp Sigma Multi-DRM, Thủ đô Multimedia sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sở hữu quyền để tạo ra môi trường bảo vệ nội dung. Đây cũng là cách để kinh tế đất nước và ngành công nghiệp giải trí nội dung phát triển.