Olympic Việt Nam không vượt qua vòng bảng ASIAD 19. Sau 3 trận, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thắng duy nhất Olympic Mông Cổ, còn lại là hai trận thua tâm phục trước Olympic Iran và Olympic Ả Rập Xê Út.
Thất bại này không phải việc quá bất ngờ. Olympic Việt Nam chủ trương sử dụng cầu thủ trẻ, với nòng cốt là các cầu thủ U20 – từng tham dự VCK U20 châu Á 2023. Độ tuổi của đội nằm trong nhóm thấp nhất giải, trung bình là 20,3. Mục tiêu của đội – điều được HLV Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh từ khi nhậm chức – là giúp các cầu thủ trẻ rèn giũa kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thi đấu trước các đối thủ hàng đầu châu lục.
“Ở thời điểm này, chất lượng của các cầu thủ còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, họ còn quá trẻ và chưa thi đấu nhiều nên chưa có cơ hội bộc lộ, vượt tầm lên. Còn xét toàn cảnh, chúng ta phải đặt ra vấn đề đó, bởi làm bóng đá trẻ thì không phải lứa nào cũng như nhau. Thành công của một lứa cầu thủ không có nghĩa mọi thứ kéo theo cũng phải đạt chuẩn như vậy“, vị chuyên gia nói thêm.
Qua ba trận, các cầu thủ đã bộc lộ những thiếu sót. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi các cầu thủ còn rất trẻ khi phải đương đầu với các đối thủ cứng cựa, có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
“Đây vẫn là câu chuyện cũ, khi các cầu thủ có ít cơ hội thi đấu dẫn đến việc họ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận môi trường bóng đá đỉnh cao. Khi thi đấu ít thì bản lĩnh của các cầu thủ không có, tính thực chiến cũng không có. Các cầu thủ lộ ra nhiều sai sót, nhiều sai số khi đội gặp đối thủ mạnh. Sai nhiều thì cầu thủ mất đi sự tự tin, và sai lầm cứ tiếp tục lặp lại”, BLV Quang Tùng nhận định.
ASIAD 19 là sân chơi mang tính trải nghiệm, thử nghiệm cho thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Mỗi trận đấu mang đến cơ hội với những thách thức khác nhau để các cầu thủ và cả ban huấn luyện rèn luyện cách ứng phó với tình huống. Về mặt này, Olympic Việt Nam chưa làm tốt.
“HLV trưởng dĩ nhiên phải là người chịu trách nhiệm, thắng thì được tung hô còn thua thì phải nhận chỉ trích thôi. Đó là điều bình thường. Tôi nghĩ điều chúng ta mong mỏi ở đây không phải là kết quả thi đấu, mà là kết quả của màn trình diễn, của cách đương đầu với thách thức“, BLV Quang Tùng đánh giá.
“Chúng ta coi đây là thử thách để trải nghiệm. Ta đã có trải nghiệm cho cầu thủ trẻ rồi. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta chờ đợi kết quả của công tác huấn luyện, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, thách thức của cầu thủ. Chúng ta chưa đạt những yêu cầu đó. Vấn đề ấy có trách nhiệm của HLV, của công tác chuẩn bị, của công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cầu thủ trẻ chưa đều, chưa đủ“.
Dù vậy, BLV Quang Tùng cho rằng ban huấn luyện gặp nhiều khó khăn khách quan. Olympic Việt Nam rơi vào bảng đấu khó, cộng thêm thể thức thi đấu ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đạt được. Olympic Việt Nam tham dự giải với lực lượng non kém, lại gặp đúng 2 đại điện của những nền bóng đá hàng đầu châu lục và họ cử lực lượng mạnh tham dự giải.
“Có những yếu tố khách quan tác động đến kết quả mà đôi khi người thầy không thể xử lý hết được mọi việc. Liệu các cầu thủ đã chuyển hóa hết ý tưởng, sự chuẩn bị của HLV chưa? Tôi nghĩ sẽ có sai số lớn và khi sai số xuất hiện sớm thì kế hoạch bị vỡ. Khi vỡ rồi thì việc chỉnh sửa là cả câu chuyện lớn.
Ở giải này, Iran và Ả Rập xê Út sử dụng những cầu thủ kinh nghiệm, thậm chí từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Các cầu thủ ở độ tuổi trưởng của chúng ta thành đá gặp họ còn khó huống chi là các các cầu thủ 19, 20 tuổi chưa có va chạm. Những sai số xảy ra từ sớm khiến các em trẻ rất khó có thể ứng biến. Đó là vấn khách quan về công tác thực chiến“, BLV Quang Tùng phân tích.
Hoài Dương