Theo các đơn vị nghiên cứu bất động sản (BĐS), thị trường gần đây đã ghi nhận sự khởi sắc nhất định nhờ những chính sách gỡ vướng của Chính phủ và các địa phương, cùng với động thái hạ lãi suất quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước.
Hàng trăm dự án đã được gỡ vướng
Trên cơ sở tổng hợp văn bản, báo cáo của 8 bộ, ngành và của 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Xây dựng gần đây đã có báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án và Bộ Xây dựng đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án BĐS. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác và Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý toàn bộ 112 văn bản.
Tại TP HCM, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Sau khi Tổ công tác và Bộ Xây dựng trao đổi, hướng dẫn, cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã được làm rõ, giải quyết căn bản.
“Theo thông tin của Sở Xây dựng TP HCM, đến nay thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; 39 dự án qua rà soát của địa phương” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Khá nhiều khách hàng quan tâm đến dự án căn hộ của Công ty Nam Long mở bán cuối tuần qua. Ảnh: SƠN NHUNG
Còn tại Hà Nội, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan khó khăn, vướng mắc của 712 dự án nhà ở, khu đô thị. “Sau khi trao đổi, hướng dẫn, đến nay Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), hiện thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết 293 dự án” – lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Tại tỉnh Đồng Nai, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và bằng văn bản đối với 7 dự án BĐS lớn, trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh… Xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay hiện các địa phương vẫn đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi; một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Giao dịch rục rịch trở lại
Dữ liệu Batdongsan.com.vn công bố cho thấy tháng 7-2023, sau đà giảm về nguồn cung và nhu cầu BĐS suốt nửa đầu năm 2023, mức độ quan tâm đến các giao dịch bán BĐS trên cả nước đã tăng 6% so với tháng 6, lượng tin đăng bán nhà đất cũng tăng 4%. Tháng 8 vừa qua, những chỉ số này tiếp tục tăng. Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cũng phản ánh nhu cầu tìm mua BĐS toàn quốc tăng trung bình 5% so với tháng 7, lượng tin đăng bán cũng tăng 2%.
Đáng chú ý, trong tháng 8, tại thị trường Hà Nội, đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua cao nhất, tăng 12% so với tháng 7. Chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự cũng có mức độ quan tâm tăng từ 7% – 9%. Tuy nhiên, lượt tìm kiếm đất dự án lại giảm 7% so với tháng 7, cho thấy loại hình này cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Tại TP HCM, nhu cầu tìm mua tăng cao nhất đối với nhà mặt phố và biệt thự (tăng 7%). Mức độ quan tâm đối với chung cư, nhà riêng và cả đất dự án vẫn duy trì nhịp tăng ổn định, từ 2% – 4% so với tháng 7. Đất nền là loại hình duy nhất có lượt quan tâm giảm nhẹ 1%.
Chị Thúy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) khoe chị vừa chốt bán thành công một lô đất nền diện tích 125 m2 vào cuối tháng 7 ở TP Thủ Đức với giá 12,5 tỉ đồng. Chị cho biết lô đất trên đã rao bán từ đầu năm nhưng gần như không có ai hỏi han. “Ban đầu tôi kêu giá 14 tỉ đồng, chờ ròng rã tới tháng 7 mới có môi giới dẫn khách đến xem và thương lượng xuống còn 12,5 tỉ đồng, tôi lập tức đồng ý vì khoản vay ở ngân hàng đã quá hạn thanh toán” – chị Thúy nói.
Anh Hải, môi giới nhà đất tại TP HCM, cho hay trong 3 tháng trở lại đây, anh đã thành công khoảng 10 giao dịch, phần lớn là đất nền có giá khoảng 3,5 – 4,5 tỉ đồng/nền và căn hộ trên địa bàn, còn nhà phố vẫn trong quá trình đàm phán. Nhớ lại những tháng đầu năm 2023, anh Hải cho biết đó là quãng thời gian rất áp lực, anh từng muốn bỏ nghề vì suốt mấy tháng không có giao dịch nào thành công, vài hôm mới có một vài khách hàng liên hệ để hỏi giá nhưng chỉ nhằm thăm dò thị trường.
Theo các nhân viên môi giới, công việc của họ gần đây đã “dễ thở” hơn khi thị trường BĐS đang rục rịch trở lại. Ngoài những nguyên nhân về chính sách, còn do chủ các BĐS “ôm hàng” trong thời gian khá lâu, tới hạn trả nợ ngân hàng nên phải chấp nhận giảm giá sâu, người mua mua được sản phẩm với giá hợp lý. Từ đó, thanh khoản trên thị trường khởi sắc hơn.
Anh N., lãnh đạo một doanh nghiệp lĩnh vực BĐS có trụ sở tại TP Thủ Đức, thừa nhận doanh thu từ hoạt động môi giới của công ty từ tháng 7 đến nay đã có những chuyển biến khá tích cực. Nhà đầu tư đã chủ động liên hệ để tìm hiểu sản phẩm và quan tâm nhiều nhất đối với đất nền, chung cư ở khu Đông TP HCM vì mức giá dễ chịu và dễ sinh lời hơn so với các BĐS tại khu vực trung tâm.
Không chỉ các giao dịch nhỏ lẻ, một số dự án mở bán gần đây cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Nam Long cuối tuần qua vừa tổ chức giới thiệu căn hộ biệt lập AK NEO thuộc dự án Akari City giai đoạn 2 (đại lộ Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, TP HCM). Sự kiện thu hút khoảng 500 khách hàng tham dự, doanh số mà chủ đầu tư công bố ngay tại buổi lễ lên đến 600 tỉ đồng (mỗi căn hộ 2 phòng ngủ có giá từ 3 tỉ đồng).
Tập đoàn Masterise Homes vừa mở bán 20 căn shophouse sở hữu lâu dài tại dự án Lumiere Riverside (TP Thủ Đức) với giá trung bình 30 – 80 tỉ đồng/căn. Theo công bố của chủ đầu tư, tổng số tiền hàng bán đạt hơn 850 tỉ đồng.
Theo những người am hiểu thị trường, nhu cầu BĐS để ở và đầu tư vẫn ở mức cao nhưng do biến động khó lường của thị trường cùng với lãi suất ngân hàng chưa ổn định khiến người mua rụt rè trong việc quyết định xuống tiền. Tuy nhiên, với diễn biến của nền kinh tế, nhiều người tin rằng từ nay đến cuối năm 2023, thị trường BĐS sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa.
Nhiều dự án tái khởi động
Trong tuần qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp các đơn vị liên quan lên kế hoạch và chuẩn bị tổ chức thi tuyển quy hoạch Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, Công viên Sài Gòn Safari và khu đô thị bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.
Ngoài ra, một số dự án đã khởi công trở lại sau thời gian tạm ngừng, trong đó có dự án Victoria Village ở TP Thủ Đức của Công ty CP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland). Đây được xem là những thông tin tích cực thúc đẩy thị trường BĐS TP HCM phục hồi.