Dù chỉ chiếm khoảng 2-5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng châu Phi phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có khủng hoảng lương thực. Bên cạnh các hoạt động hợp tác song phương về xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho nhiều nước châu Phi, góp phần hỗ trợ giải quyết “cơn đau đầu” về lương thực của khu vực này.
Đầu tháng 9 vừa qua, một báo chung của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi cho biết, châu Phi đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh và phải hứng chịu những thảm họa về khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, đồng thời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra xung đột về tài nguyên.
Báo cáo trích dẫn cơ sở dữ liệu khẩn cấp cho thấy những thảm họa này, như hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm ở vùng Sừng châu Phi và cháy rừng ở Algeria, khiến 5.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 8,5 tỷ USD. Con số thực tế có thể còn cao hơn do có những khoảng trống trong báo cáo, tổ chức này cho biết.
Theo Liên hợp quốc, hơn 20% dân số châu Phi, tương đương 278 triệu người, đang đối mặt nạn đói. Chỉ riêng tại khu vực Sahel, khoảng 18,6 triệu người phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng hơn 5,6 triệu người so con số được đưa ra hồi tháng 6/2022.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Sừng châu Phi đang ngày càng khó kiểm soát. Nạn suy dinh dưỡng tiếp tục lan rộng. Ước tính, 5,1 triệu trẻ em tại Ethiopia, Kenya và Somalia bị suy dinh dưỡng nặng, kéo theo những hệ lụy khôn lường đối với sự phát triển và cuộc sống của các em.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, mỗi năm, Châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn cho châu Phi, bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO – Châu Phi – Việt Nam, IFAD – Châu Phi – Việt Nam hoặc JICA – Châu Phi – Việt Nam… Nhờ vậy, năng suất lúa gạo và cá của một số nước châu Phi tăng gấp đôi, phần nào đảm bảo sản xuất lương thực và protein cho người dân của một số nước châu Phi.
TS Trần Thùy Phương – Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, nhiều chuyên gia của Việt Nam đã sang các nước châu Phi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó Mozambique, Sierra Leone, Cộng hòa Guinea, Namibia, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hòa Congo… Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại chính quốc đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước châu Phi.
Việt Nam và châu Phi đã và đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính mới để tài trợ các bên trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng; thiết lập quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản…
Tháng 6/2023, Sierra Leone, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác Nam-Nam và Tam giác (SSTC). Dự án có ngân sách ước tính 5 triệu USD được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác đơn phương (UTF) từ Sierra Leone.
Theo thỏa thuận, trong 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp cho Sierra Leone những kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, nhân giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến các địa điểm khác nhau, bao gồm cả các trạm nghiên cứu. Ngoài ra, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VAECA) cho biết, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ được nâng lên tầm cao mới khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa thành lập Văn phòng hợp tác Nam – Nam. Việt Nam đã giúp các nước châu Phi nhận chuyển giao công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới Việt Nam sẽ cử chuyên gia nông nghiệp sang hỗ trợ châu Phi nhiều hơn và sẽ có thêm các dự án hợp tác nông nghiệp để nhân rộng thành công.
Tại cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào cuối tháng 5/2022, chuyen gia nông nghiệp – GS.TS Võ Tòng Xuân đau đáu với mong muốn hỗ trợ người dân châu Phi giảm nỗi lo về an ninh lương thực. Ông cho biết: “Ở châu Phi, lương thực nằm chính ở trong đất, lại có sẵn nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là những người trẻ rất mong được làm việc. Chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ, công nghệ để sản xuất, chắc chắn châu Phi sẽ chiến thắng “giặc đói”, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững… Chúng ta có thể hỗ trợ các nước châu Phi bằng cách chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật trồng lúa. Tôi rất mong các tổ chức quốc tế cùng chung tay để hỗ trợ các nước châu Phi. Nếu có thêm các đơn vị tham gia hỗ trợ châu Phi, nhất là về tài chính, thì chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa tất cả những nỗ lực này”. |
Minh Thái