Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm rất ý nghĩa, khi hai nước kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng chứng kiến những bước phát triển vững chắc trên nhiều lĩnh vực hợp tác song phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn cùng sự tham dự của một số lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội; đại diện 23 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hợp tác kinh doanh, đầu tư với Bulgaria.
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam-Bulgaria. Các cơ chế hợp tác và khuôn khổ pháp lý quan trọng như Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), trong đó Bulgaria là thành viên; Hiệp định tránh đánh thuế trùng; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.
Về phía Bulgaria, có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria, lãnh đạo Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria, lãnh đạo Bộ Đổi mới và Phát triển Bulgaria; cùng các hiệp hội và gần 100 đại diện doanh nghiệp Bulgaria.
Sự hiện diện của hơn 150 đại biểu tại Diễn đàn đã cho thấy sự quyết tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, Việt Nam-Bulgaria trong thời gian tới, hai bên cần sớm tiến hành Khóa họp 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học trong năm 2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội Bulgaria vừa phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Đây là một bước đi quan trọng để tiến tới việc Hiệp định có hiệu lực, tạo cơ sở để tăng cường quan hệ đầu tư Việt Nam với các nước EU, trong đó có Bulgaria.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bulgaria tạo thuận lợi cho hàng tiêu dùng, nông sản như chè, cà-phê, thủy-hải sản, rau củ, hoa quả nhiệt đới, dệt may, da giày, thủ công-mỹ nghệ của Việt Nam vào Bulgaria và Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa của Bulgaria như: lúa mì, dầu thực vật, tinh dầu hoa hồng, hoa quả khô, rượu vang…
Bên cạnh đó, Bulgaria giúp Việt Nam thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam, vận động các nước khác sớm phê chuẩn EVIPA và phối hợp thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Về đầu tư, hai nước Việt Nam-Bulgaria có tiềm năng và lợi thế bổ trợ cho nhau, tuy nhiên, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, chú trọng khuyến khích đầu tư giữa hai nước. Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Bulgaria đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Bulgaria có thế mạnh như năng lượng, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến rau quả, thực phẩm; dược phẩm, bảo vệ môi trường…; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên giao lưu, trao đổi, tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội đầu tư; hỗ trợ thực hiện các dự án đang hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việt Nam cũng quan tâm và mong muốn phát triển công nghiệp 4.0, công nghệ số, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam định hướng thu hút có chọn lọc, ưu tiên vào các ngành, lĩnh vực như: công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô-tô điện, pin điện…; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng, trao đổi cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực trên để thúc đẩy hợp tác đầu tư một cách phù hợp và hiệu quả.
Tại Diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Công thương có bài phát biểu Giới thiệu chính sách công nghiệp, thương mại của Việt Nam; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chia sẻ về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đại diện các cơ quan quản lý về thương mại và đầu tư hai nước đã tham gia phiên thảo luận, giải đáp đa dạng các vấn đề quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp hai nước trên nhiều khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam-Bulgaria. Các cơ chế hợp tác và khuôn khổ pháp lý quan trọng như Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), trong đó Bulgaria là thành viên; Hiệp định tránh đánh thuế trùng; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.
Bất chấp khó khăn nói chung của nền kinh tế thế giới trong những năm gần đây và những khó khăn còn tồn tại trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương, năm 2021 chứng kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bulgaria phục hồi và tăng trưởng mạnh ở mức 108% so năm 2020, đạt mức gần 250 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2022 con số này sụt giảm xuống còn hơn 200 triệu USD do ảnh hưởng nhiều yếu tố trong khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo bộ, ngành và doanh nghiệp cho rằng: Có thể đánh giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước còn rất khiêm tốn so tiềm năng.
Năm 2021 chứng kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bulgaria phục hồi và tăng trưởng mạnh ở mức 108% so năm 2020, đạt mức gần 250 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2022 con số này sụt giảm xuống còn hơn 200 triệu USD do ảnh hưởng nhiều yếu tố trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra Phiên giao thương trực tiếp giữa các tổ chức và doanh nghiệp hai nước, chia sẻ các cơ hội hợp tác và đầu tư tiềm năng, triển vọng trong đa dạng các lĩnh vực: Điện, năng lượng, hàng không, xuất nhập khẩu hạt điều, hạt tiêu, bông nguyên liệu, gạo, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, dược mỹ phẩm, nguyên liệu thực phẩm, gia vị, chất tẩy rửa…
Nhandan.vn